Bệnh viện tuyến cơ sở đang 'kéo' bệnh nhân từ tuyến trên

Theo số liệu sơ kết hoạt động khám chữa bệnh và quản lý chất lượng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế có hiện tượng dịch chuyển nhẹ sang bệnh viện quận huyện và các cơ sở y tế tư nhân.

Kết quả thống kê số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế cho thấy, tuy phân bố mô hình chưa có sự thay đổi, nhưng đã có hiện tượng dịch chuyển nhẹ sang bệnh viện tuyến quận, huyện và các cơ sở y tế tư nhân (bệnh viện tư và phòng khám đa khoa tư nhân). Cụ thể, lượt bệnh nhân khám tại bệnh viện thành phố chiếm 48,3% (giảm 2,7% so với cùng kỳ), bệnh viện tuyến quận, huyện chiếm 27,2% (tăng 1,1% so với cùng kỳ), cơ sở y tế tư nhân chiếm 18,7% (tăng 3,1%), trạm y tế chiếm 3,7%.


Theo đánh giá, bên cạnh các bệnh viện quận vốn đã tạo “thương hiệu” và tiếp tục có số lượt khám tăng so với cùng kỳ thì các bệnh viện quận, huyện xưa nay có số lượt khám bệnh thấp đã bắt đầu khởi sắc, có số lượt khám tăng rõ rệt so với cùng kỳ như bệnh viện Huyện Củ Chi (tăng hơn 70%), bệnh viện quận 11 (tăng trên 20%), bệnh viện huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9, quận 5, quận 1 đều tăng trên 10% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có 25 triệu lượt khám bệnh ngoại trú.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm, tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 25 triệu lượt khám và điều trị ngoại trú, tăng gần 90.000 lượt so với cùng kỳ, trong đó tỉ lệ nhập viện chung của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố vẫn giữ ở mức 6,5%.


Để tăng mức độ hài lòng của người bệnh, tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống ki ốt lấy ý kiến người bệnh khi đến khám, từ đó các bệnh viện biết người bệnh không hài lòng ở khâu nào để khắc phục.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dù đã cải tiến rõ rệt, nhưng theo khảo sát của hệ thống ki ốt thì 8 vấn đề khiến đa số ý kiến không hài lòng (trong tổng số 15 khâu liên quan đến quy trình khám bệnh tại các khoa khám bệnh) là khâu làm thủ tục đăng ký khám, thủ tục khám BHYT, ứng xử giao tiếp của nhân viên y tế, nhà vệ sinh, mua và cấp phát thuốc BHYT, cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ, thời gian chờ làm xét nghiệm, chăm sóc người bệnh của điều dưỡng.


Theo đó, trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để cải tiến quy trình khám chữa bệnh ở những khâu người bệnh không hài lòng.


Đ.Phương/Báo Tin tức
Thoái hóa cột sống ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi
Thoái hóa cột sống ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi

Tuy không quá nguy hiểm nhưng cơn đau do thoái hóa cột sống gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN