Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Ngành y tế cũng tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến; đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động, đạt hiệu quả.
Sở Y tế Bình Dương đã thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại ổ bệnh, đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định của ngành.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.051 người mắc sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra tại tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở thị xã Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Bến Cát. Riêng địa bàn thị xã Thuận An đã ghi nhận 342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 83 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, từ 33 ca trong tháng 3 lên 45 ca trong tháng 4/2017.
Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sốt xuất huyết tăng là do hiện nay bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh.