Mô hình linh hoạt, kịp thời
Tân Uyên hiện là một trong những "điểm nóng" trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Thị xã này hiện có 7 phường "vùng đỏ đậm đặc" đang thực hiện "đông cứng, khóa chặt".
Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong tình hình dịch bùng phát theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thị xã đã thành lập 21 trạm y tế lưu động, trong đó có 8 trạm là hạt nhân.
Với tần suất trung bình 30 - 50 cuộc gọi điện thoại cấp cứu hàng ngày của mỗi trạm, đội ngũ y, bác sĩ của các trạm y tế lưu động luôn túc trực 24/7 nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, tư vấn và đến nhà người dân để khám, chữa bệnh, hoặc xử lý và chuyển viện cấp cứu kịp thời.
Chị Hoàng Phương Linh ngụ tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên có cảm giác mệt mỏi, trán nóng hơn ngày bình thường, nên đã gọi đến trạm y tế lưu động gần nhất để được tư vấn. "Tuy gọi vài lần mới có tín hiệu, nhưng khi các bác sĩ bắt máy thì tư vấn rất nhiệt tình", chị Linh chia sẻ. Theo chị Linh, việc có những trạm y tế lưu động như này khiến người dân an tâm trong mùa dịch.
Trung úy Đặng Quang Vinh, bác sĩ nội trú của Học viện Quân y, công tác tại trạm y tế lưu động trên địa bàn phường Thái Hòa (thị xã Tân Uyên) cho biết, đối với những trường hợp F0 điều trị tại nhà, người dân không có đầy đủ các trang thiết bị y tế như máy thở oxy, máy đo nồng độ oxy; không biết cách đếm nhịp thở... các bác sĩ sẽ hướng dẫn họ xác định tình trạng ngay lúc đó và tới thăm khám, cung cấp máy móc, thiết bị, oxy giúp bệnh nhân.
Số điện thoại của y, bác sĩ trong các trạm y tế lưu động được công khai tại các trang mạng của xã, phường để người dân gọi điện bất kỳ khi nào họ cần. Mỗi trạm y tế lưu động ở các địa phương có từ 7 - 10 nhân sự gồm nhân viên y tế phường cùng các thành viên đại diện lực lượng công an, quân sự, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tổ trưởng các tổ dân phố.
Thông thường, mỗi trạm được bố trí phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc dành cho trạm y tế cấp xã và các loại thuốc điều trị COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: xe cứu thương lưu động, 4 - 6 bình oxy, 5 máy tạo oxy, thuốc kháng đông, 800 túi thuốc an sinh...
Phối hợp với trạm y tế cố định
Nói về tầm quan trọng và sự phối hợp của trạm y tế lưu động, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cho biết, mô hình này giảm tải rất nhiều cho các trạm y tế cố định. Trạm y tế lưu động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, kết nối chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, đối với địa phương đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, việc tư vấn cho người dân sau tiêm của thầy thuốc ở các trạm y tế di động là rất cần thiết và quan trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, các trạm y tế lưu động trên địa bàn thị xã đã hỗ trợ ứng cứu y tế rất nhiều cho người dân. Hiện nay, Bình Dương có 25 trạm y tế lưu động chính, mỗi địa phương sẽ có thêm nhiều các trạm nhỏ. Các trạm y tế lưu động chủ yếu hoạt động nhiều tại các điểm nóng về dịch bệnh như thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
Nhằm khắc phục tình trạng nghẽn mạng điện thoại khi người dân có việc khẩn cấp về sức khỏe, các trạm y tế lưu động đều công bố 3 số điện thoại đường dây nóng. Bên cạnh đó, số điện thoại của lãnh đạo trung tâm y tế các địa phương cũng được công bố công khai.
Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương giao ngành Y tế có phương án hợp đồng với đội ngũ y bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn, để bố trí nhân lực hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Đồng thời, tỉnh cũng có phương án mời các F0 đã khỏi bệnh làm nhân viên điều dưỡng.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tính toán phương án bố trí các trạm y tế lưu động phù hợp tại các "vùng đỏ", "vùng xanh", khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết... đảm bảo người dân, công nhân lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi nhanh nhất.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, Bộ Quốc phòng chi viện 2.230 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh địa phương đang thiếu nhân lực. Trong số nhân sự này, Bình Dương thành lập 60 tổ quân y phục vụ tại các trạm y tế lưu động.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 141.765 ca mắc COVID-19; 1.210 bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh có 44.040 người đang cách ly tập trung và 5.101 F0 đang cách ly tại nhà; có 1.216 khu vực phong tỏa với 118.741 người trong khu vực phong tỏa.