Tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện Thanh Nhàn (bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19 của Hà Nội), hiện số lượng bệnh nhân tại đây đã giảm rất nhiều, mỗi kíp trực chỉ còn huy động 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng tham gia. Trong 2 tháng trở lại đây số bệnh nhân nặng phải nhập viện đã ở mức dưới 10 ca/ngày (so với thời kỳ cao điểm tới 300 ca/ngày).
Cùng với dịch COVID-19 đã được kiểm soát, hiện nay, quy định về bảo hộ với nhân viên chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng được “nới” hơn trước kia, nhân viên y tế tại đây không bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ mà chỉ cần khẩu trang tiêu chuẩn N95, kính chắn giọt bắt, găng tay… khi vào chăm sóc người bệnh COVID-19.
Trao đổi về tình hình bảo đảm an toàn khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện nay, BS. Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, phụ trách khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Việc nhân viên y tế phải mặc quần áo phòng hộ cũng là vấn đề rất khó khăn, giảm đáng kể chất lượng thăm khám, điều trị bệnh nhân F0. Hiện chúng tôi đã nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế về việc vào khu vực điều trị F0 không nhất thiết cần phải mặc quần áo bảo hộ. Vấn đề này Bệnh viện đã thích ứng từ khi số lượng bệnh nhân COVID-19 giảm nhanh. Cụ thể, nhân viên vào thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 chỉ cần đeo khẩu trang N95, kính chắn giọt bắn; sau khi ra khỏi khu vực điều trị F0 phải tắm rửa sạch sẽ để khử khuẩn.
Theo BS. Nguyễn Thu Hường, virus SARS-CoV-2 lây qua đường hô hấp, vì vậy vấn đề quan trọng nhất là đeo khẩu trang N95 và kính chắn giọt bắt, khử khuẩn khi ra khỏi khu vực F0 trước khi tiếp xúc với các nhân viên y tế khác và khi trở về cộng đồng.
Hiện, kiến thức, kinh nghiệm về phòng lây nhiễm đã tốt hơn, cũng như nhân viên y tế đã được tiêm vaccine đầy đủ; vì vậy, sau một thời gian thực hiện việc bỏ mặc bộ quần áo bảo hộ nhưng vẫn thực hiện nghiêm đeo khẩu trang tiêu chuẩn và kính chắn giọt bắn, nhân viên y tế tại đây vẫn an toàn, chưa có ai bị lây nhiễm.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
Phương tiện phòng hộ cá nhân gồm găng tay y tế, khẩu trang y tế (sử dụng một lần), khẩu trang hiệu suất lọc cao (gọi tắt là khẩu trang N95), áo choàng, tấm che mặt hoặc kính bảo hộ.
Theo hướng dẫn mới này, các đơn vị chỉ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tối thiểu theo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Cụ thể như tại cơ sở y tế; nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp, người không tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 (khu hành chính, văn phòng...) chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế.
Tương tự, tại khu vực lâm sàng, cận lâm sàng không có bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể sử dụng găng tay y tế hoặc không tùy theo tình huống cụ thể. Nhân viên y tế làm việc tại khu vực tiếp đón của bệnh viện cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể có hoặc không cần tấm che mặt.
Người lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp hoặc thực hiện test nhanh kháng nguyên được xếp vào nhóm có nguy cơ rất cao nên phải dùng khẩu trang N95, găng tay y tế, áo choàng và tấm kính che mặt.
Chia sẻ về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, BS. Nguyễn Thu Hường cho biết: “Với tình hình hiện nay, số bệnh nhân COVID-19 đã giảm rõ rệt, số bệnh nhân vào bệnh viện chủ yếu là người bệnh có bệnh lý nền, triệu chứng nặng. Để thích ứng với từng thời điểm; hiện dịch đã giảm, chúng tôi bố trí riêng một khu vực để điều trị F0. Tuy nhiê, nếu xảy ra tình huống dịch căng hơn, số bệnh nhân tăng lên, chúng tôi cũng có phương án chuẩn bị sẵn để huy động kịp thời. Thời điểm này, bệnh viện chỉ huy động 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng tham gia vào công tác điều trị COVID-19 và luân phiên các kíp thay ca nhau vào khu điều trị.