Ngày 16/7, Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) cho biết, Công trình nghiên cứu về bộ gen của người Việt do các nhà khoa học của Viện thực hiện vừa được công bố trên tạp chí di truyền quốc tế Human mutation. Đây là nghiên cứu lớn và công phu nhất về bộ gen người Việt từ trước đến nay. Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã độc lập tiến hành các công nghệ phức tạp để giải mã và phân tích dữ liệu về hệ gen của người Việt với số lượng lớn nhất.
Theo đó, từ trước tới nay, phần lớn các nghiên cứu của Việt Nam thường phải tham chiếu từ bộ gen người nước ngoài. Điều này có nhiều hạn chế vì mỗi một chủng tộc, dân tộc thường có cấu trúc bộ gen khác nhau. Vì vậy có một nghiên cứu riêng về bộ gen của người Việt là rất cần thiết.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Để thực hiện đề tài, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn những người tham gia có ít nhất 3 đời là người dân tộc Kinh, khỏe mạnh, gia đnh không có tiền sử mắc các bệnh di truyền phổ biến và các người tham gia không có quan hệ huyết thống. Công trình được thực hiện trong 27 tháng (từ tháng 12/2016 -3/2019), sử dụng các công nghệ, máy giải trình gen hiện đại nhất. Kết quả phân tích gen đã phát hiện 1,24 triệu biến đổi xuất hiện phổ biến ở người Kinh, nhưng xuất hiện rất ít ở các quần thể người khác".
“Dữ liệu về hệ gen liên quan chặt chẽ đến sức khỏe và bệnh học, có thể góp phần giải đáp các vấn đề về ung thư, các bệnh di truyền... Đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng việc xây dựng phương pháp phát hiện sớm các gen ung thư, chuyển hóa và đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh di truyền, chuyển hóa, thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzeimer..)", GS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng có ý nghĩa quan trọng về mặt nhân chủng học, làm sáng tỏ tổ tiên người Việt. Cụ thể, qua đây đã khẳng định người Kinh và các dân tộc khác ở Đông Nam Á có cùng tổ tiên, củng cố giả thuyết người dân di cư từ châu Phi sang châu Á theo lộ trình từ phương Nam đến phương Bắc thay vì từ phương Bắc xuống Nam. Các dữ liệu cũng khẳng định người Kinh và người Thái có hệ gen tương đồng cao và quan hệ tiến hóa gần gũi. Trong khi đó, sự giao thoa và dịch chuyển gen từ các quần thể người Đông Á đến quần thể người Kinh Việt Nam là không đáng kể.