Công văn nêu rõ, trong tháng 4/2023, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm đã được ghi nhận số mắc gia tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm như: COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao). Cùng đó, nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4 - 1/5) gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4-1/5, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số /NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật, đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/1/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 ban hành kèm Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023; chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Các địa phương có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.
Các địa phương chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, nhóm di biến động, người bị suy giảm miễn dịch…)
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao. Đồng thời chú trọng kiểm tra giám sát việc thực hiện; xử lý kịp thời các vi phạm; biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên cán bộ y tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.