Theo đó, để đảm bảo nhu cầu thuốc phòng chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác, cũng như đảm bảo việc bình ổn giá thuốc và ổn định thị trường thuốc trong nước trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Các Sở Y tế cần chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố các công việc để đảm bảo cung ứng thuốc, nhất là các địa bàn bị cách ly, phong tỏa và chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở kinh doanh rà soát năng lực bảo quản, vận chuyển, tiếp nhận vaccine COVID-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Để tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao, các Sở Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc bao gồm niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố).
Các bệnh viện trực thuộc Bộ cũng cần triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Quản lý Dược về việc đảm bảo nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, đảm bảo cung ứng thuốc theo các hợp đồng đã ký với các cơ sở khám chữa bệnh.
Đối với các đơn vị có kho bảo quản lạnh 2 - 8 độ C hoặc âm sâu, cần rà soát năng lực bảo quản các sản phẩm lạnh (thuốc, vaccine, sinh phẩm) cần sắp xếp lại và dành dung tích tối đa có thể bảo quản vaccine phòng COVID-19 khi được yêu cầu, trưng tập phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc.
Trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào của các thuốc hoặc giá thuốc nhập khẩu tăng, Bộ Y tế đề nghị công ty nhập khẩu thuốc nghiên cứu xem xét giảm các chi phí không cần thiết khác như: chi phí bán hàng, chi phí quản lý... để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Ngày 10/7, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương tổ chức Lễ phát động chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.