Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Nguyễn Trường Sơn chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm; Hội đồng xây dựng tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà quản lý, các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc và điều trị tại hơn 30 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và các bệnh viện trên cả nước.
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 65 không phát hiện ca bệnh tại cộng đồng... Đây là một điều rất hạnh phúc trong bối cảnh thế giới dịch COVID-19 đang rất căng thẳng với trên 47 triệu người mắc và trên 1,2 triệu người tử vong. Trong những ngày này, một số nước tiên tiến hàng đầu thế giới đã phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa (lock down).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.210 ca bệnh, 1.069 ca được chữa khỏi, 35 ca tử vong do liên quan COVID-19 và không có ca mắc COVID-19 nặng.
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác điều trị, điều quan trọng đầu tiên đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, luôn quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", "không được chủ quan, không để dịch lây lan" và "chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân". Đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ngày hôm nay, chúng ta có thể thoải mái đi lại giữa các tỉnh nội địa, các hội nghị được tổ chức, học sinh được đến trường…, cả nước nói chung và ngành Y tế nói riêng đã nỗ lực không ngừng, áp dụng, triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống dịch”.
Tiểu ban Điều trị đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, khoa học, hiện đại, tiếp cận với các kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới với những nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh. Rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng, tiêu biểu như: thành lập Trung tâm Hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh; phân tuyến điều trị ca bệnh dương tính; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19...
“Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban Điều trị đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn ngành Y tế đã chủ động, cảnh giác cao độ để thực hiện phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân số 91, công dân người Anh, phi công của Hãng Hàng không Việt Nam Airlines, nhập viện 18/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho viết, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ là béo phì (BMI + 30,9), diễn biến nặng lên rất nhanh, gây suy đa tạng, tổn thương toàn bộ hai bên phổi, suy giảm các chức năng của các tạng thận, gan và rối loạn đông máu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bác sĩ điều trị trực tiếp, sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành thông qua Trung tâm Hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19, sau 105 ngày điều trị với 58 ngày chạy ECMO, ngày thở máy liên tục, bệnh nhân 91 đã khỏi bệnh và phục hồi chức năng tốt cả về tri thức, ăn uống và vận động. Bệnh nhân đã xuất viện vào ngày 12/7/2020, trở về nước, tiếp tục phục hồi chức năng với ước mơ tiếp tục chinh phục bầu trời.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, những yếu tố quan trọng, góp phần dẫn đến thành công trong điều trị COVID-19, đó là phân tuyến điều trị hợp lý với 4 tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh gồm: tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, ngành đã cập nhật thường xuyên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới; cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị 4 lần; xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế; xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau từ người mắc các bệnh mãn tính, đến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và xây dựng 37 tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống COVID-19.
Cùng với đó là thành lập Trung tâm Hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19, tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Đến nay, cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện.
Ngành Y tế chú trọng mở rộng công tác xét nghiệm, từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được xét nghiệm SAR-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện cả nước đã có trên 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm SAR-CoV-2, góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ...
Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh đã thực hiện tốt và phối hợp với toàn hệ thống cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng, chống dịch. “Đặc biệt là phải kể tới sự chủ động tích cực và sẵn sàng lao vào tâm dịch để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị ca mắc COVID-19 của các cán bộ y tế, sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… tại các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước để cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh, thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị, để tiếp tục duy trì những thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, các cơ sở khám chữa bệnh cần tập trung nêu cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế tranh thủ thời gian dịch ổn định, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tuyến cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm báo cáo ca bệnh, truy vết trong bệnh viện… Các cơ sở y tế nâng cao năng lực sử dụng trang thiết bị y tế, máy thở, điều trị ca nặng trong ICU cho các bệnh viện tỉnh, khu vực; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; đúc rút kinh nghiệm, bài học quý, chia sẻ với các đơn vị...
Tại Hội nghị, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương... đã chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi, công tác xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19.