Năng lực y tế còn nhiều khó khăn để đáp ứng chống dịch
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/11, ông Nguyễn Trong Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Thời gian vừa qua, các bệnh viện đã giữ vững được “trận địa” để không bị quá tải trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát. Đó là nhờ công tác chống dịch của Việt Nam tốt, khoanh vùng nhanh, không để dịch lây lan rộng. Tuy nhiên, thực tế năng lực cơ sở y tế hiện nay còn tương đối hạn chế, chưa thể có đủ điều kiện như các nước phát triển về: Giường bệnh, năng lực hồi sức cấp cứu… để đáp ứng khi dịch lây lan mạnh như các nước”.
Để đào tạo được một bác sĩ hồi sức cấp cứu mới có khả năng điều trị COVID-19, có khả năng đặt được hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) không hề dễ dàng, nếu nhanh chóng cũng phải mất tới 2-3 năm mới có thể thành thạo; trong khi không phải cơ sở y tế nào cũng có đội ngũ bác sĩ có thể đáp ứng yêu cầu.
Đơn cử đợt dịch COVID-19 xảy ra tại Đà Nẵng, khi ổ dịch tấn công vào chính khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đơn vị đã ngay lập tức vấp phải tình huống khó khăn là thiếu cơ sở hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng, trong khi bệnh nhân nặng gia tăng liên tục.
Hiện ở các địa phương, năng lực hồi sức cấp cứu với các ca bệnh nặng mới chủ yếu tập trung ở bệnh viện đa khoa tỉnh, trong khi đó, các giường bệnh vẫn đang dành cho các bệnh nhân khác; mặc dù đã được trang bị máy thở có khả năng điều trị COVID-19, nhưng năng lực điều trị ECMO mới chỉ một số ít bệnh viện làm được và đều phải huy động từ các bệnh viện lớn.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, qua tham khảo tình hình các nước, các chuyên gia đã đặt thử Việt Nam vào các tình huống dịch như Mỹ, Pháp, Nga… Ước tính, Việt Nam có trung bình khoảng 3.000 giường bệnh/triệu dân, nếu gặp phải tình huống dịch lây lan mạnh như các nước, thì số giường bệnh chỉ đủ phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19, không còn chỗ cho các bệnh nhân khác. Nếu tỷ lệ cao như Mỹ, với 14.000 ca bệnh/triệu dân, chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ cơ sở y tế để điều trị.
“Như đợt dịch vừa qua xảy ra tại Đà Nẵng, địa phương có mật độ các cơ sở y tế cao (khoảng 45 giường bệnh/vạn dân), nhưng đã phải huy động thêm 2 bệnh viện dã chiến và 1 bệnh viện dự phòng, chưa kể huy động cả Huế, Quảng Nam, các lực lượng phía Bắc, tuyến trên cùng vào hỗ trợ. Vì vậy, nếu để dịch bùng phát, mỗi bệnh viện sẽ phải gánh vác công việc của mình, chứ không có khả năng hỗ trợ các địa phương. Do đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng phương án tự bảo vệ và phục vụ bệnh nhân”, ông Nguyễn Trọng Khoa cảnh báo.
Phải đặt mình trong tình huống xấu nhất
Bộ Y tế nhận định, trước sự gia tăng nhanh chóng của dịch COVID-19 trên thế giới, nguy cơ lây nhiễm từ các nước vào Việt Nam hiện rất lớn. Việt Nam luôn đứng trước tình huống dịch có thể xâm nhập vào cộng đồng bất cứ lúc nào.
Giai đoạn hiện nay, ngay tại các cơ sở y tế cần phải chủ động, tích cực, tăng cường công tác chuẩn bị, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xét nghiệm, nâng cao khả năng kiểm soát lây nhiễm và đào tạo kỹ năng trong việc xử lý các tình huống dịch. Không thể chủ quan, lơ là khi không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, để dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dự phòng cả trường hợp không có sự hỗ trợ từ các địa phương khác, mỗi tỉnh, thành phố phải chuẩn bị ít nhất 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; có phương án chuẩn bị các điều kiện để thiết lập các cơ sở dã chiến điều trị COVID-19 từ tận dụng các cơ sở ngoài y tế có thể lưu trú để điều trị bệnh nhân như: Cung thể thao, các trường học, ký túc xá… Chẳng hạn, với tỷ lệ hơn 60% các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, thì không nhất thiết bệnh nhân đó phải ở trong bệnh viện, mà chỉ cần sử dụng các cơ sở để cách ly, điều trị dưới sự theo dõi của tổ y tế thường xuyên và đưa vào bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, việc thành lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly điều trị người bệnh COVID-19 cũng cần đảm bảo vấn đề xử lý chất thải, không khí, không để phát tán mầm bệnh ra ngoài.
“Việt Nam đã có Trung tâm hỗ trợ điều hành trực tuyến điều trị COVID-19, trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, việc hỗ trợ này rất có giá trị, nhưng nếu dịch lan rộng sẽ hết sức khó khăn ứng phó. Các địa phương, các cơ sở y tế phải chấp nhận 4 tại chỗ, các đơn vị phải thực sự chủ động”, ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vấn đề đảm bảo an toàn bệnh viện là vô cùng quan trọng. Các bệnh viện cần nêu cao cảnh giác ở mức độ cao nhất. Bộ Y tế đã yêu cầu, nếu để lây nhiễm chéo tại các bệnh viện sẽ đình chỉ công tác người đứng đầu. Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế cũng có tư tưởng chủ quan, lượng người đến khám quá đông. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện làm nghiêm việc xử phạt khi người dân không đeo khẩu trang. Đồng thời, các bệnh viện cũng tăng cường kiểm tra giám sát, tăng cường truyền thông để người nhà bệnh nhân hạn chế đến bệnh viện, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo giữa người nhà với bệnh nhân, cán bộ y tế và ngược lại…