Tham dự buổi hội chẩn tại Trung tâm quản lý Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 có Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa và Tiến sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng điều hành tại điểm cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tại buổi hội chẩn, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã báo cáo về trường hợp cần xin hội chẩn. Đây là bệnh nhân nữ 79 tuổi, từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1/2021. Bệnh nhân có người nhà ở Mỹ mắc COVID-19; ngày 14/1/2021, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày. Bệnh nhân còn có tiền sử đái tháo đường và cao huyết áp, thể trạng gầy.
Ngày 17/1, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhẹ, người mệt, đi cầu phân lỏng, ăn uống kém. Ngày 19/1, bệnh nhân hơi khó thở, chụp Xquang có dấu hiệu mờ.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân đang có những dấu hiệu nặng lên, do đó Bệnh viện Phổi Đà Nẵng phải theo sát các diễn biến của người bệnh. Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện đánh giá toàn bộ tình trạng tổn thương phổi; xem xét siêu âm màng phổi; đánh giá tình trạng tim mạch; tình trạng hô hấp của người bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện đã tăng cường công tác dinh dưỡng cho người bệnh vì bệnh nhân thể trạng gầy, không để bệnh nhân suy kiệt. Hội đồng chuyên môn cũng có những đề xuất về việc sử dụng thuốc, các chỉ số về chức năng thở, xét nghiệm phân, cấy vi sinh xem xét tổng thể các chỉ số của người bệnh.
Trước đó, ngày 7/1, các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn hai ca mắc COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Hiện, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.539 ca mắc COVID-19; chữa khỏi 1.402 bệnh nhân mắc COVID-19 và ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng. Việt Nam đã có gần 50 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.