Đồng thời, các cơ sở này cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân trong trường hợp các bệnh viện công quá tải.
Là bệnh viện ngoài công lập lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực tiếp nhận từ 300 - 500 bệnh nhân từ khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đến khám, điều trị bệnh; số lượng bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên từ 500 - 600 bệnh nhân. Bên cạnh đó, rất nhiều người nhà bệnh nhân thường xuyên ra vào bệnh viện. Để kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tổ chức đội đón tiếp thực hiện kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu sát khuẩn tay nhanh đối với tất cả mọi người ngay từ cửa ra vào. Một phòng khám dã chiến cũng đã được thành lập để sàng lọc những bệnh nhân bị ho, sốt, tức ngực và có yếu tố liên quan về dịch tễ. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị các điều kiện để cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 khi dịch bùng phát.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, cho biết: "Việc đo thân nhiệt và sát khuẩn tay ngay tại cửa ra vào bệnh viện nhằm giúp phát hiện sớm những người có yếu tố nguy cơ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, bệnh viện đã chuẩn bị khu vực điều trị cách ly, đáp ứng cho khoảng hơn 20 bệnh nhân. Bệnh viện cũng xây dựng phương án thành lập khu điều trị cách ly khẩn cấp nếu xuất hiện tình huống nhiều bệnh nhân mắc COVID-19".
Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (huyện Yên Định) mỗi ngày cũng đón từ 300-400 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, điều trị, vì vậy việc tuyên truyền để người dân hiểu về dịch, chủ động phòng tránh là hết sức cần thiết. Bệnh viện đã tổ chức bàn hướng dẫn ngay từ cổng vào với nhân lực gồm 1 bảo vệ, 2 điều dưỡng, thực hiện các công tác phát khẩu trang cho những người không có khẩu trang và nhắc nhở đeo khẩu trang đối với mọi người ra vào bệnh viện. Sảnh đón tiếp ngay tầng 1 có bàn giám sát tất cả nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện và thực hiện sát khuẩn tay, đo thân nhiệt từng người. Nếu phát hiện trường hợp thân nhiệt trên 37,5 độ thì người giám sát phải khai báo y tế để đánh giá nguy cơ về dịch tễ học... Trường hợp bệnh nhân có sốt, ho, khó thở kèm theo có yếu tố dịch tễ thì sẽ được phân luồng vào khu riêng biệt và ngay lập tức kích hoạt quy trình sàng lọc đã ban hành trước đó tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Minh Quí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành, cho biết: "Bệnh viện cũng thành lập khoa cách ly điều trị COVID-19 khẩn cấp, dành một nửa Khoa Nội tầng 2 để trống để dành tiến hành các biện pháp cách ly và chuyển tuyến bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hoặc các bệnh viện tuyến huyện, tùy từng tình huống... Tất cả các cán bộ y tế cũng được tập huấn về quy trình sàng lọc bệnh nhân COVID-19, cách ly nguồn bệnh, tránh lây nhiễm chéo, cũng như chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 theo phác đồ của Bộ Y tế."
Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Đỗ Thái Hòa khẳng định: "Trước tình hình mới với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trong cả nước, ngành y tế Thanh Hóa đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhất là các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập cần tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch ở mức độ cao nhất. Ngành y tế sẽ tăng cường đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập gồm hệ thống bệnh viện và các phòng khám tư phát hiện bệnh sớm, cách ly sớm, thông báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như hạn chế lây nhiễm cho các nhân viên y tế.”
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành y tế Thanh Hóa, các cơ sở y tế ngoài công lập ở Thanh Hóa dù đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn cần tích cực hơn nữa trong công tác rà soát, sàng lọc, phát hiện, cách ly người mắc COVID-19. Trong đó, cần làm tốt hơn nữa công tác sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp đón người bệnh tới khám trước khi người bệnh được phát số thứ tự chờ khám bệnh.
Khi xác định người bệnh có nguy cơ thì phải báo cáo với thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương, yêu cầu hỗ trợ chuyên môn khi vượt quá khả năng chuyên môn. Đồng thời, mỗi cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, rà soát các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn chéo; chuẩn bị dự phòng trang thiết bị, cơ số vật tư phòng chống dịch... để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.