Tại Chương trình họp báo “Cộng đồng sáng tạo- Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023", ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AphiệnIDS năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 25/11, với nhiều hoạt động.
Mục đích của Tháng Hành động năm nay là truyền thông vận động để huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người dân vào công tác phòng chống HIV/AIDS; truyền thông tạo cầu để tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, điều trị bằng bảo hiểm y tế, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm; đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV…
Các sự kiện lớn sẽ diễn ra đợt này gồm: Mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS, các chương trình truyền thông đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội; các hội thảo, hội nghị, tọa đàm chuyên đề; các giải chạy, đêm nhạc, cuộc thi vẽ tranh…
Nhận định về tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay, Ths. Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Tại Việt Nam, ước tính toàn quốc có khoảng gần 250.000 người nhiễm HIV; trong đó có khoảng 231.000 người được quản lý điều trị trên hệ thống; đến nay, lũy tích có 113.6698 người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Số ca nhiễm được phát hiện hàng năm có xu hướng giảm rõ ràng; riêng vài năm gần đây, nhất là năm 2023, số ca mắc phát hiện vẫn trên 10.000 người/năm; trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 10.219 người mắc.
Hiện có tới 60% số người nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023, tập trung ở khu phía Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngoài các điểm nóng trên, từ năm 2020 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố vốn ít ghi nhận ca mắc HIV, lại đang có dấu hiệu tăng như: Bạc Liêu; Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long…
“Chúng ta đang tập trung nhiều vào khu vực trọng điểm có số người nhiễm cao, cần phải chăm sóc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo, tất cả các tỉnh, thành phố dù không trọng điểm, cũng cần hết sức cảnh giác để có thể đáp ứng kịp thời nếu dịch HIV gia tăng”, Ths. Bùi Hoàng Đức cảnh báo.
Theo đó, công tác phòng chống HIV/AIDS đang tập trung vào xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; các chương trình Bơm kim tiêm, chương trình Bao cao su/chất bôi trơn; điều trị PrEP, điều trị bằng thuốc ARV; việc phòng chống dịch dựa vào các tổ chức cộng đồng…
Hiện công tác phòng chống dịch HIV vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới); các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận.
Đặc biệt, nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đang rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam cần tăng cường cam kết chính trị, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn; đảm bảo tài chính cho công tác phòng dịch.