Xây dựng các tình huống cụ thể
Tại Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra ngày 8/11, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn công tác phòng dịch cho các địa phương khi dạy học trực tiếp, lắng nghe những ý kiến đề xuất để triển khai hợp lý công tác phòng dịch khi học sinh trở lại trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, tới giáo viên, học sinh tất cả các địa bàn trên cả nước. Thời gian qua, các em học sinh đã phải chuyển trạng thái sang học trực tuyến, học qua truyền hình. Khi có Nghị quyết 128 hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Bộ đã có văn bản cụ thể gửi các địa phương, với mong muốn cụm từ “thích ứng an toàn” sẽ được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn rõ ràng về xác định cập độ dịch, để thầy cô và các em học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đi học, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định: “Phải đảm bảo an toàn mới đi học và khi an toàn mới đi học”. Hiện Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể với các cơ sở giáo dục về các công tác phòng chống dịch. Đặc biệt các cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ các phương án không chỉ về phòng chống dịch mà còn cả khi xuất hiện F0, khi có nhiều F1 để có cách xử lý phù hợp.
Cục Quản lý môi trường y tế đã có hướng dẫn công tác khử khuẩn trường học. Cụ thể, các trường học phải tiến hành khử khuẩn 2 lần/ngày với các trang thiết bị như: Bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy… ; vệ sinh sàn nhà, phòng học, phòng chức năng; khu vệ sinh; thiết bị giáo dục; đồ chơi, dụng cụ học tập… đặc biệt bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày.
Đặc biệt, các tình huống xử trí cụ thể cũng được đặt ra như: Tình huống khi có các trường hợp nghi mắc, các cơ sở nhanh chóng thông báo cho Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh. Trường cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn các trường hợp này đeo đúng cách; yêu cầu các trường hợp này hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 2 mét với những người khác… Đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Các cơ sở cũng hướng dẫn các trường hợp nghi ngờ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng; gọi điện đến các số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế hoặc cơ quan y tế địa phương để được tư vấn xét nghiệm, nếu cần được đưa đi khám và điều trị.
Đặc biệt, các đơn vị không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế; đồng thời lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.
Trong tình huống khi có bệnh nhân COVID-19, ngay lập tức phong toả tạm thời toàn bộ trường học. Đồng thời, đơn vị thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định.
Cơ sở giáo dục cũng rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng; tổ chức ngay việc cách ly tạm thời tại trường học ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.
Trường hợp này cơ sở tiến hành truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Tại trường học, F1 được tách ngay ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, lấy mẫu F1 lần đầu theo mẫu đơn. Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trí và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý…
Trong tình huống này, Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức ngay lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường. Đồng thời rà soát F2, xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể trở thành F0. Các cơ sở hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, học sinh, giáo viên, người lao động đang có có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong lúc phong toả tạm thời là rất cao; thực hiện lớp học nào ở yên lớp đó, tự quản và thực hiện 5K.
Linh hoạt, chủ động
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những tiêu chí về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đặt ra; các tiêu chí, quy định an toàn, ban hành Sổ tay COVID-19 trong nhà trường… vẫn đang tiếp tục được rà soát, bổ sung. Với việc xác định chính xác cấp độ dịch, để quyết định đưa học sinh trở lại trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. Bộ cũng đề nghị các địa phương có báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa học sinh trở lại trường và sẽ có báo cáo với Chính phủ để có giải pháp đảm bảo an toàn và quyền của học sinh khi đi học trực tiếp.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đề nghị tại các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành Y tế và Giáo dục để tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cần thiết tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao nhận thức cho các thầy cô giáo, cho học sinh sinh viên và nâng cao nhận thức cho cả phụ huynh học sinh về các vấn đề đang đặt ra hiện nay như: Tiêm chủng vaccine, hướng dẫn đeo khẩu trang phù hợp, việc bố trí phòng học an toàn… Sự phối hợp giữa hai ngành hướng tới đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế túc trực để cùng phối hợp xử lý khi có phát hiện F0 tại trường học.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên hiện có các vấn đề chính khi học sinh đi học trở lại là: Tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp học (chủ yếu là khuyến cáo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi trong lớp có học sinh nhiễm SARS-CoV-2.
Đến nay, chúng ta đã phủ được vaccine mũi 1 cho 75% người trên 18 tuổi. Như vậy độ bao phủ vaccine mũi 1 đã tương đối cao, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam. Trong khi đó, nhận định của các tổ chức y tế, các nước thế giới tình hình dịch năm 2021-2022 vẫn còn phức tạp, chưa thể kết thúc. Vì vậy chúng ta phải thích ứng an toàn, linh hoạt không cứng nhắc như trước.
“Đối với trẻ đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và chưa được tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho đi học hay không. Theo hướng dẫn, các địa phương có đánh giá dịch ở cấp độ 1, có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm, đến trường học trực tiếp. Đối với các địa phương dịch ở cấp độ 2, trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp với học trực tuyến”. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từng trường phải xây dựng kịch bản khi không may trường có học sinh, giáo viên là F0. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phải căn cứ vào công bố cấp dịch của từng tỉnh (chi tiết đến từng cấp xã, thậm chí nhỏ hơn) để cho học sinh đi học theo tình hình. Ví dụ xã này, trẻ có thể học trực tiếp khi cấp độ dịch an toàn nhưng xã khác lại học trực tuyến tùy tình hình dịch. Trong trường học, ngoài giải pháp kế hoạch chống dịch, phải bố trí nguồn trực y tế học đường, đồng thời bố trí phòng cách ly tạm thời. Ví dụ có cô giáo, học sinh sốt, có dấu hiệu, phải đưa xuống phòng cách ly đó để lấy mẫu, chăm sóc…