Theo Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nhiều phụ nữ bị giãn tĩnh mạch khi đang mang bầu do khi tử cung lớn dần lên, chèn ép vào các mạch máu lớn của ổ bụng dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch ở chân. Bên cạnh đó, khi mang thai, thể tích máu trong cơ thể nhiều hơn làm tăng gánh nặng lên hệ tuần hoàn; đồng thời, hàm lượng hormone Progesterone cũng tăng dần về cuối thai kỳ gây giãn thành mạch. Thường các triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần sau khi sinh.
Bệnh giãn tĩnh mạch có thể gây ngứa, đau, thậm chí chảy máu; một số ít người có thể xuất hiện cục máu đông gần bề mặt da. Người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt nếu một trong hai chân sưng to bất thường, có vết loét hoặc vùng da gần tĩnh mạch đổi màu; hoặc nghiêm trọng hơn là các biểu hiện như: Đột ngột thấy sưng đau ở chân, đùi, đau tăng khi đứng, kèm theo sốt nhẹ…
Bệnh giãn tĩnh mạch có thể dự phòng và điều trị chủ yếu là thay đổi thói quen sinh hoạt, kết hợp với các phương pháp y học.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh giãn tĩnh mạch trong khi mang thai, các bà mẹ cần chú ý các biện pháp như:
- Tập thể dục hoặc đi bộ thường xuyên mỗi ngày giúp hỗ trợ, cải thiện hệ tuần hoàn.
- Kê cao chân khi ngồi và cả trong lúc ngủ.
- Hạn chế đứng hoặc ngồi một tư thế trong thời gian dài.
- Không đi giày cao gót.
- Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái. Có thể sử dụng gối tựa để giữ tư thế ngủ và nâng cao chân. Tư thế này giúp làm giảm áp lực của tử cung lên các tĩnh mạch lớn ở bên phải ổ bụng.
- Duy trì mức cân nặng phù hợp trong các tháng của thai kỳ.
- Bổ sung vitamin hàng ngày bằng chế độ ăn uống cân bằng trong thời kỳ mang thai sẽ giữ cho hệ tĩnh mạch khỏe mạnh. Ăn nhiều thực phẩm có vitamin C, đây là nguyên liệu mà cơ thể sử dụng để sản xuất collagen và elastin (mô liên kết) giúp sửa chữa và duy trì sức bền của thành mạch máu.