Phát huy vai trò chủ lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, chỉ trong 7 tháng của năm 2022, thành phố ghi nhận hơn 2.730 ca mắc sốt xuất huyết, riêng tháng 7 có khoảng 1.070 ca mắc. Toàn thành phố có 199 ổ bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10.
Để ngăn chặn, khống chế và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Cần Thơ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đóng vai trò chủ lực, triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến cơ sở về hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất xử lý ổ bệnh, cấp phát tờ rơi phòng, chống sốt xuất huyết cho các quận, huyện. Đồng thời, Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng qua hệ thống loa truyền thanh, phát loa lưu động...
Trung tâm liên tục tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế phụ trách chương trình sốt xuất huyết tại tuyến cơ sở nhằm cập nhật, hướng dẫn giám sát dịch tễ, quy trình xử lý ổ bệnh, hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố còn phối hợp cùng một số bệnh viện tập huấn chẩn đoán, thu dung và điều trị sốt xuất huyết cho đội ngũ thầy thuốc…
Góp phần hạn chế bệnh sốt xuất huyết
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo thành phố, các bệnh viện trên địa bàn luôn ý thức chủ động trong công tác tuyên truyền cho người dân phòng, chống và nhận biết sớm dấu hiệu của sốt xuất huyết, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị bệnh.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ ngày 14/8, phòng bệnh và hành lang Khoa Sốt xuất huyết đều chật kín. Do là bệnh viện tuyến cuối đảm nhận công tác khám và điều trị cho bệnh nhi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên đơn vị luôn trong tình trạng quá tải.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2022, có 1.157 trường hợp mắc sốt xuất huyết đến khám ngoại trú, 573 trẻ nhập viện, một số ca sốc và tái sốc phải thở oxy.
Chị Nguyễn Thanh Khuôn (ngụ tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đang chăm sóc con gái Đặng Ngọc Bích (6 tháng tuổi) bị sốt xuất huyết, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục. Chị chia sẻ, do được nhân viên y tế đến phát tờ rơi tuyên truyền nên ngay khi con có biểu hiện sốt, phát ban, chị đã đưa vào cơ sở y tế gần nhất. Sau 3 ngày con không cắt sốt, các bác sĩ tuyến cơ sở đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố chữa trị. Nhờ được điều trị kịp thời nên bé không có biến chứng nguy hiểm, các chỉ số xét nghiệm máu ổn định. Các bác sĩ sẽ cho bé xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, Bệnh viện cũng như toàn ngành Y tế đang kiểm soát tốt bệnh sốt xuất huyết. Để dịch bệnh không lây lan, ngoài nỗ lực của nhân viên y tế, các địa phương đã chung tay tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết. Qua ghi nhận, hầu hết trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết thường ở triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm và gây biến chứng. Đến nay, sốt xuất huyết có dấu hiệu bão hòa, có 100 - 120 ca đến khám và điều trị mỗi ngày. Tính đến ngày 14/8, Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Góp phần cùng thành phố hạn chế bệnh sốt xuất huyết cũng như các dịch bệnh mùa hè, từ ngày 25/7 - 25/8/2022, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ đã mở Chương trình “Khám tư vấn dinh dưỡng, bệnh lý thường gặp” miễn phí cho trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi. Sau gần 3 tuần, có hơn 230 lượt trẻ đến khám và trên 510 gia đình đăng ký cho bé đến tư vấn sức khỏe bệnh lý thường gặp, tư vấn dinh dưỡng.
Bác sĩ Chuyên khoa I Thạch Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ thông tin, Chương trình “Khám tư vấn dinh dưỡng, bệnh lý thường gặp” được thực hiện thường niên nhằm nâng cao sức khỏe cho trẻ em vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như thành phố Cần Thơ. Qua Chương trình cũng thực hiện tầm soát, phát hiện sớm một số bệnh ở trẻ phụ huynh do chủ quan hoặc thiếu kiến thức nên không nhận biết được; giúp phát hiện nhiều bệnh theo mùa ở trẻ như sốt xuất huyết và tay chân miệng. Ngay khi nhận định trẻ có các dấu hiệu bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm và nhập viện điều trị kịp thời. Sự chủ động đã mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Chị Nguyễn Như Ý, mẹ bệnh nhi 7 tuổi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, thấy bé sốt và chảy máu chân răng, người nhà đã đưa bé vào viện. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết. Nhờ được đưa vào điều trị và theo dõi sớm nên bé đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Để việc điều trị sốt xuất huyết hiệu quả nhất, các bác sĩ chỉ ra một số dấu hiệu người dân cần chú ý để nhận biết sớm như: Sốt cao đột ngột trên 39 độ C kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày, kèm đau đầu, đau hốc mắt, cơ, khớp, khó hạ sốt (cho uống các loại thuốc hạ nhiệt có thể làm giảm sốt trong vài giờ sau đó sốt cao trở lại), xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Ngoài ra, bệnh nhân nên được nhập viện sớm ở một số trường hợp đặc biệt như nhũ nhi, người béo phì, mắc bệnh mãn tính (tim mạch, thận…), người ở quá xa bệnh viện…