Báo cáo “Ủy ban Lancet” - được thực hiện bởi 28 chuyên gia trên toàn cầu về lĩnh vực tâm thần học, y tế, khoa học thần kinh và một số bệnh nhân tâm thần - chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng kể trên gia tăng có thể gây ra tổn hại lâu dài cho con người, các cộng đồng và các nền kinh tế trên toàn cầu.
Ngoài các phí tổn và chi phí trực tiếp về y tế, thuốc men hoặc các liệu pháp trị liệu khác, hầu hết các chi phí ước tính khác là gián tiếp - dưới hình thức mất mát về hiệu suất lao động, số chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, luật pháp và trật tự xã hội..., theo chuyên gia Vikram Patel - đồng tác giả của báo cáo và là giáo sư tại Trường Y Harvard (Mỹ).
Ông Patel cho biết gánh nặng về bệnh tâm thần đã gia tăng “đáng kể” trên toàn thế giới trong 25 năm qua, một phần do hiện tượng già hóa xã hội, ngày càng nhiều trẻ em chật vật sống và trưởng thành, trong khi không có quốc gia nào "đầu tư đủ" để giải quyết vấn đề liên quan.
Theo ông Patel, “sức khỏe tâm thần đang bị phớt lờ nhiều hơn bất kỳ điều kiện hay trạng thái sức khỏe nào khác trong nhân loại”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 300 triệu người trên toàn cầu mắc chứng trầm cảm. Chứng tâm thần phân liệt được ước tính ảnh hưởng 23 triệu người, trong khi chứng rối loạn lưỡng cực tác động tới khoảng 60 triệu người.