Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân là Y Đa Wit PRiêng (sinh năm 1987, tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Ngày 24/5, anh Y Đa Wit PRiêng ăn trúng nấm độc không rõ loại. Sau đó, anh có biểu hiện nôn ói, đau bụng nên nhập Bệnh viện huyện Cư Jút để điều trị.
Đến ngày 26/5, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên. Bước đầu, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm không rõ loại, nhiễm trùng tiêu hóa, tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và suy thận.
Hiện bệnh nhân đang hôn mê, phải tiến hành thở máy qua nội khí quản; lọc máu; da và kết mạc mắt vàng sậm…
Tỉnh Đắk Lắk đang bước vào đầu mùa mưa nên các loại nấm sinh sôi nhiều. Nhiều người dân không phân biệt được nấm lành với nấm độc. Hầu hết các loại nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12- 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Điều này gây khó khăn trong việc cứu chữa; triệu chứng ngộ độc xuất hiện càng muộn thì càng khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Các loại nấm mọc ở rẫy, rừng cần được kiểm chứng rõ nguồn gốc, tránh trường hợp ăn nhầm dẫn đến ngộ độc hoặc tử vong. Nấm tươi ăn được cũng nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát thì vẫn có thể gây ngộ độc.