Thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 8/7.
Mới đây, N.T.H (19 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đến Phòng khám Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân khám bệnh do vài tháng gần đây phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to dần lên theo thời gian. Tại đây, các bác sỹ Khoa Nam học phát hiện H. có một khối u tinh hoàn phải đã di căn. Bệnh nhân được lưu trữ tinh trùng, sau đó phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật, các bác sỹ kết luận đây là một u tinh hoàn ác tính. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị với phác đồ hóa trị hỗ trợ tại Khoa Ung bướu của Bệnh viện để điều trị triệt căn ung thư.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, không riêng bệnh nhân H., trong khoảng 2 năm qua, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận 141 trường hợp ung thư tinh hoàn, trong đó có trường hợp phát hiện bệnh khi mới 16 tuổi.
“Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ của ung thư tinh hoàn ngày càng tăng trong vài thập kỷ qua. Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao khi người bệnh có tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen)”, Bác sỹ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng cho hay.
Cũng theo Bác sỹ Hoàng, triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vì vậy, nếu gặp triệu chứng này, người bệnh đi khám ngay, thay vì chần chừ, chủ quan.
Hiện nay, hướng điều trị ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân. Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân lên tới 95%.
Để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được thăm khám tổng quát và chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư (tumor marker), siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản, mong muốn có con sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu về sinh sản, tinh dịch đồ và được hướng dẫn trữ tinh trùng trước khi điều trị.
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới, nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng. Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.