Chị M cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt chị thường bị rong kinh kéo dài kèm ra máu nhiều, người thường xuyên mệt mỏi, da xanh xao.
Ngày 26/3/2018, chị đã đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Sau khi làm các kỹ thuật siêu âm, chụp CT- Scanner và các xét nghiệm cần thiết phát hiện trong ổ bụng của bệnh nhân có khối u to với kích thước trên 20cm, nghi ngờ u xơ tử cung, hình ảnh khối u to vượt quá màn hình siêu âm kèm tình trạng thiếu máu nặng. Hội chẩn kết luận, bệnh nhân có khối u to trong ổ bụng nghi u xơ tử cung có biến chứng gây rong kinh, băng huyết thiếu máu nặng và được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để loại bỏ khối u.
Tuy nhiên, với tình trạng thiếu máu nặng do rong kinh kéo dài, trước khi cắt bỏ khối u bệnh nhân M đã được các y bác sĩ truyền 3 đơn vị khối hồng cầu, 1 đơn vị khối huyết tương để nâng cao thể trạng, đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật. Sau khi được điều trị nâng cao thể trạng, sáng 28/3 bệnh nhân M được các bác sĩ khoa Phụ tiến hành phẫu thuật. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ toàn bộ khối u to nặng hơn 2kg cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hải Yến – Phụ trách khoa Phụ, với khối u to như vậy sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân. Để giảm sự lo lắng cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Phụ kết hợp với khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau cho bệnh nhân những ngày đầu sau mổ. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và dự kiến sau phẫu thuật một tuần sẽ được ra viện.
Bác sĩ Yến cũng đưa ra lời khuyên, đối với các chị em phụ nữ lớn tuổi, nhất là chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung và có phương án điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
* Trước đó, chiều 30/3, khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật "Nong đặt stent đường mật số hóa xóa nền" cho bệnh nhân D.
Bệnh nhân Lê Văn D (1947) tại Dương Hà – Gia Lâm đến bệnh viện khám với các triệu chứng đau tức vùng thượng vị và hạ sườn phải kèm hiện tượng vàng da, Bệnh nhân cho biết đã bị ung thư dạ dày từ trước. Ngay sau đó bác sĩ khám đã cho chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết và nhập viện. Dựa vào các kết quả trên bệnh nhân được chẩn đoán tắc mật/u đường mật/K đường mật.
Bệnh nhân đã được tiến hành đặt stent, các bác sỹ dùng 1 kim nhỏ chích thuốc cản quang qua da vào gan hoặc túi mật; chụp x quang trong lúc chất cản quang di chuyển qua đường mật. Khi xuất hiện rõ chít hẹp đường mật tiến hành đặt một stent vào vị trí đó. Bệnh nhân đã được đặt 1 kim rỗng vào đường mật, sau đó luồn một dây hướng dẫn mỏng vào kim. Dây dẫn được hướng đến vị trí tắc nghẽn; stent được đẩy về phía trước theo dây dẫn và đặt vào vị trí tắc nghẽn trong đường mật.
Đặt stent đường mật là một kỹ thuật được sử dụng để điều trị các tắc nghẽn xảy ra trong các ống mật. Tắc nghẽn đường mật xảy ra khi đường ống vận chuyển dịch mật từ gan xuống ruột non (tá tràng) bị chặn lại bởi sỏi, khối u, một chấn thương hoặc tình trạng viêm đường mật... Tình trạng này nhanh chóng dẫn đến các rối loạn về tiêu hóa, về chức năng giải độc, gây tổn thương cho gan và các cơ quan lân cận.
Theo bác sĩ Ngô Vĩnh Hoài - Khoa chẩn đoán hình ảnh, đây là 1 can thiệp tối thiểu nhưng có hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi sau can thiệp nhanh. Giảm tắc nghẽn và giúp mật lưu thông tốt hơn ở khoảng 90% bệnh nhân sau khi đặt stent đường mật. Nếu không đươc điều trị kịp thời, tình trạng tắc mật nặng có thể dẫn đến ngộ độc, hôn mê và tử vong. Trường hợp Bệnh nhân D bị vàng da tắc mật do sự chèn ép của khối u đầu tụy làm dịch mật chảy ngược vào trong máu gây tình trạng vàng da, ngứa gáy khó chịu cho bệnh nhân. Kỹ thuật đặt stent sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc mật, làm mật thông trở lại với đường ruột giúp bệnh nhân ăn uống tốt hơn.