Nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành một loạt các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau, trong đó bảo đảm sức khỏe để tăng sức đề kháng chống lại các loại bệnh tật nói chung và COVID-19 nói riêng là cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định đối với việc giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong (nếu mắc bệnh) trong giai đoạn hiện nay. Phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm ba bài viết "Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19", nhằm đưa ra các giải pháp về nâng cao sức khỏe, giúp người dân thích ứng an toàn và vượt qua đại dịch.
Bài 1: Cần hiểu rõ về đại dịch COVID-19
Dịch COVID-19 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan và số người tử vong vô cùng khủng khiếp so với những đợt dịch trước. Tại Việt Nam kể từ đầu dịch đến nay đã có trên 730.000 ca mắc COVID-19 với trên 18.000 ca tử vong; phần lớn số người mắc và tử vong đều được ghi nhận ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay). Để làm rõ hơn về biến chủng Delta cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19 đặc biệt với một số nhóm người yếu thế, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam?
Chủng Delta xuất hiện ở Việt Nam chính là làn sóng dịch thứ 4, chúng ta có thể dùng 2 từ phức tạp và thảm họa để diễn tả đợt dịch này. Chủng Delta sinh sôi rất nhanh, dẫn đến tình trạng lây truyền nhanh, bởi tải lượng virus cao, lây lan nhanh, chu kỳ không còn dài như trước nữa, chỉ còn 2-3 ngày so với trước đây là 5-7 ngày. Tải lượng virus lớn khiến khả năng lây truyền từ người này sang người khác rất cao, cực kỳ phức tạp, cho nên những biện pháp phòng tránh cũng cần phải thay đổi.
Trước đây, virus lây truyền qua đường giọt bắn và qua tiếp xúc ở tay tới các niêm mạc, nhưng bây giờ không chỉ còn 2 đường đó nữa, còn có thể lây truyền qua đường không khí. Những không gian kín sẽ tạo ra nồng độ virus rất cao và lây từ người này sang người khác, nên khoảng cách 2m không còn an toàn nữa. Điều này dẫn đến nếu cách ly F1 tập trung là không an toàn.
Chỉ trong thời gian ngắn, con số tử vong đã trên 13.000 người vì COVID-19, đó là thảm họa, không còn chỉ là đại dịch. Nhưng lại rất khác nhau ở nhiều địa phương, có tỉnh chỉ là 0,6%, 0,7% nhưng có tỉnh lại hơn 2%, hơn 3%. Do sự vận hành quá trình đối với ứng phó với biến chủng Delta khác nhau, những biện pháp can thiệp khác nhau, có thể đề ra những điều kiện, kết quả rất khác nhau.
Ông có thể cho biết sau gần 2 năm từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, con đường lây truyền của SARS-CoV-2 đã có những thay đổi như thế nào?
Với biến chủng delta, gần đây chúng ta xác định thêm 1 đường lây truyền nguy hiểm nữa đó là qua đường không khí, tương tự như vi khuẩn lao nên virus có thể lây truyền rất xa. Điều đó xảy ra ở những phòng cách ly, 4 người 1 phòng và thông khí không tốt, dẫn đến khả năng lây nhiễm chéo. Đối với F1, việc cách ly tập trung phải thay đổi. Các đường lây truyền đối với chủng Delta có sự thay đổi là thêm đường không khí, đối với lây qua không khí thì khoảng cách 2m không còn an toàn.
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, virus tấn công trực tiếp đến phổi, gây ảnh hưởng như thế nào đến hệ hô hấp, thưa ông?
Virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập, tấn công vào cơ thể chúng ta qua 3 đường, đường hít vào là quan trọng nhất thông qua mũi, miệng. Đường thứ 2 là qua niêm mạc mắt, khi chúng ta sờ vào các đồ vật, virus bám vào tay, sau đó thói quen đưa tay lên mặt, dụi mắt đều có thể làm lây truyền.
Virus xâm nhập vào cơ thể chúng ta chủ yếu từ đường hô hấp trên, từ thanh quản trở lên và đường hô hấp dưới là từ phía phổi. Nói một cách tổng quát, 84% là chỉ tồn tại ở mức độ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có nghĩa là viêm đường hô hấp trên chứ không phải tấn công vào phổi. Còn tấn công vào phổi chỉ khoảng 16%, trong 16% này thì có 5% nặng và nguy kịch, 11% còn lại là trung bình. Số liệu đó phù hợp với số liệu trên thế giới. Tuy nhiên, số liệu đó lại khác nhau ở các tỉnh khác nhau.
Ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh, số liệu đó không đúng hoàn toàn, một số bệnh nhân khó thở nặng, người bệnh không nhận biết được, diễn biến nhanh và dẫn đến tử vong.
Ngay cả những trường hợp bị mắc COVID-19 và đã được chữa khỏi thì tổn thương di chứng, tổn thương lâu dài của phổi cũng sẽ tạo ra những di chứng, những lá phổi đó sau COVID-19 cũng để lại một số hậu quả nặng nề ở một số trường hợp bị nặng.
Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19, xin ông cho biết nguy cơ tăng nặng với những người có bệnh nền?
Những nguy cơ trung bình, nguy cơ chuyển nặng và nguy kịch phụ thuộc vào hai yếu tố là độ tuổi và bệnh nền.
Những người 50 tuổi trở nên có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là trên 60 tuổi.
Đối với các bệnh nhân có bệnh nền, tỷ lệ tử vong phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nền, người có một bệnh nền thì tỷ lệ bao nhiêu, hai bệnh nền tỷ lệ bao nhiêu… Trong các bệnh nền, có những bệnh liên quan đến chuyển hóa như: Cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì...; có các bệnh lý về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản, sơ phổi, lao phổi, giãn phế quản… Những bệnh nền đó làm tăng nặng lên quá trình COVID-19 tấn công vào phổi.
Những người có bệnh nền phải hết sức chú ý để không bị mắc COVID-19, khi có cơ hội để tiêm vaccine thì cần phải tiêm ngay. Chúng ta phải nỗ lực bảo vệ bằng được những người này, bảo vệ bằng cách tiêm vaccine phủ kín. Đó là thông điệp hết sức quan trọng sau này chúng ta sẽ làm, đó gọi là sống chung với virus, đối tượng mà chúng ta biết rõ nhất có thể gây tử vong, gây tăng tải, quá tải hệ thống y tế, nhóm đó sẽ là diện bị nhiễm nhiều nhất.
Các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa phổi, chúng tôi đã có thông điệp từ ban đầu là phải bảo vệ an toàn cho những người có bệnh phổi đang điều trị trong bệnh viện.
Thưa ông, COVID-19 gây ảnh hưởng đến những bệnh nhân đang điều trị Lao phổi như thế nào, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có những giải pháp gì để bảo vệ những bệnh nhân Lao trong đại dịch COVID-19?
Rõ ràng, COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến Lao. Trên thế giới, COVID-19 đã đẩy lùi thành quả chống lao 5 năm về phía trước, có nghĩa là bệnh Lao hiện giờ vào tình cảnh năm 2015. Ở Việt Nam, từ đợt dịch thứ 4 trở về trước, chúng ta vẫn giữ được tốt. Nhưng từ đợt thứ 4 vừa rồi đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khiến người dân không tiếp cận được dịch vụ phòng, chống Lao, không thể tiếp cận, chuẩn đoán được, hoặc có một số trường hợp đang uống thuốc bị ngắt quãng, không tiếp xúc được với thuốc, gây ra tình trạng mắc Lao nhiều hơn, chuẩn đoán muộn hơn hoặc điều trị ngắt quãng, gây ra tình trạng kháng thuốc và thất bại trong quá trình điều trị.
Chúng tôi đã phải tính toán từ trước, có app để khám bệnh từ xa, không chỉ riêng với Lao mà cả với những bệnh khác. Cùng đó, nếu trước đây cấp thuốc cho người bệnh theo tuần, theo ngày, thì đã chuyển sang cấp thuốc 1 tháng, thậm chí là 2 tháng, đồng thời có những biện pháp để người bệnh tiếp xúc tốt hơn.
Đặc biệt là có kế hoạch sau khi dịch COVID-19 được khống chế, chúng ta trở lại hồi phục, thì phải có kế hoạch ngay, làm thế nào để bù đắp lại phát hiện, chủ động. Bệnh viện sử dụng chiến lược 2X (X – Quang và Xpert). Những người bị Lao mắc COVID-19 rõ ràng gây ra sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng, vừa bị COVID-19 nhưng vẫn phải chữa Lao, coi Lao giống như 1 bệnh nhiễm trùng khác cùng với COVID-19 trong việc tăng nặng. Bệnh viện đã có hướng dẫn trong hệ thống chương trình thực hiện để làm thế nào giảm nhẹ nhất ảnh hưởng của COVID-19 đến bệnh Lao.
Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có mong muốn được an toàn và khỏe mạnh trong mùa dịch, ông có khuyến cáo gì với người dân để đạt được điều này?
Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu được COVID-19 hoạt động như thế nào và những khuyến cáo của Bộ Y tế về những vấn đề có thể khắc phục được và cách thức chúng ta tham gia. Khi đã hiểu được cặn kẽ vấn đề đó, người dân sẽ biết thông điệp 5K có tác dụng như thế nào, thực hành chuẩn 5K là chúng ta vẫn có thể chống được sự lây truyền của virus này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!