Cần chú ý chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng một cách khoa học để phòng các biến chứng nguy hiểm. |
Theo Ths.BS Phạm Thu Nga, Khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương: Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng là ở thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà. Vì thế cha mẹ cần chú ý điều trị và chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng theo Ths.BS Phạm Thu Nga, đặc điểm của bệnh tay chân miệng là trẻ bị loét miệng, đau họng và xuất hiện phỏng nước trên người, nên cha mẹ có thể dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Dùng thuốc hạ sốt đúng chỉ định khi trẻ bị sốt. Đặc biệt, cần phải chú ý theo dõi sát các biểu hiện bệnh của trẻ.
Chú ý nếu trẻ các biểu hiện sau được coi là nặng cần phải đưa đến các cơ sở y tế:
Trẻ sốt cao liên tục không hạ được sốt
Mệt mỏi, không chơi ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà
Hay giật mình; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường như: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…
Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng…
Cần chú ý chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ:
Vì bị loét miệng nên trẻ thường biếng ăn hoặc bỏ ăn do đau trong miệng, mệt mỏi nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu, không bị nóng hoặc lạnh quá khiến trẻ khó chịu. Các loại thực phẩm nên cho trẻ ăn là: Sữa, sữa chua, bột dinh dưỡng, cháo nấu nhuyễn, súp, nước hoa quả tươi…
Với trẻ còn bú mẹ thì tích cực cho trẻ bú. Cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ dễ ăn, khi ăn tránh va chạm vào các vết loét miệng khiến trẻ sợ ăn.
Khi các vết loét miệng đã đỡ, nên cho trẻ ăn như bình thường, không nên kiêng khem sẽ khiến trẻ bị thiếu chất, cơ thể không có sức chống đỡ với bệnh.
Khi chăm sóc trẻ cần chú ý:
Khi trong nhà có trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng.
Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Trước khi chế biến thức ăn, khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi trẻ đi vệ sinh, thay tã cũng phải vệ sinh thật sạch.
Các đồ dùng của trẻ bị tay chân miệng như: Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt, sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành.
Phân của trẻ bị bệnh tay chân miệng cũng cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường xung quanh. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh tay chân miệng phải luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng và chất diệt khuẩn.