Đây là báo cáo đầu tiên đưa ra so sánh lượng khí thải CO2 từ việc tiêu thụ thực phẩm tại các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), do EAT - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ ở tại Oslo (Na Uy) thực hiện và công bố ngày 16/7.
Theo báo cáo "Chế độ ăn uống vì một tương lai tốt hơn" công bố ngày 15/7, trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ có người dân Ấn Độ và Indonesia phát thải lượng CO2 trung bình tính theo đầu người từ việc tiêu thụ thực phẩm đủ thấp để bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Tại Trung Quốc, nơi tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định trong nhiều năm đã thúc đẩy việc tiêu thụ thịt và các loại thực phẩm nhập khẩu, chế độ ăn uống trung bình tính theo quy mô toàn cầu ở nước này có thể khiến nhiệt độ Trái Đất tăng gần gấp 2 lần mục tiêu mà Thỏa thuận Paris đề ra.
Hiện việc sản xuất thực phẩm cho 7,7 tỷ dân trên Trái Đất đang đóng góp 25% lượng CO2 trên toàn cầu - loại khí thải được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Cụ thể, ngành sản xuất chăn nuôi và chất thải của quá trình chế biến thực phẩm chiếm tới 40% lượng khí thải CO2, phần còn lại là do ngành sản xuất lúa gạo, sử dụng phân bón, cải tạo đất và phá rừng để trồng cây thương mại.
Ông Brent Loken, người phụ trách vấn đề lương thực toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), trưởng nhóm tác giả của báo cáo trên, cho rằng hiện nay, nhiều người dân ở một số nước đang có thói quen ăn quá nhiều thực phẩm không phù hợp gây tổn hại cho phần còn lại của thế giới. Những chế độ ăn uống mất cân bằng của người dân tại một bộ phận các nước giàu đang ảnh hưởng tiêu cực tới khí hậu, sức khỏe và kinh tế của thế giới nói chung.
Nghiên cứu của EAT cũng đề cập tới mối liên hệ giữa chế độ ăn với sức khỏe và biến đổi khí hậu ở các nước G20. Đáng chú ý, bảng xếp hạng các nước phản ánh rõ nét mức tiêu thụ thực phẩm thực tế. Argentina đứng đầu danh sách với chế độ ăn uống có thể khiến nhiệt độ Trái Đất vượt ngưỡng (1,5 độ C) gần gấp 5 lần, sau đó là Canada, Brazil, Mỹ, Nga và Australia. Trong khi đó, những vị trí cuối cùng của danh sách là các nước có hướng dẫn về chế độ ăn uống thân thiện với môi trường nhất gồm Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Giới chuyên gia cho rằng thực phẩm con người ăn và cách con người sản xuất, chế biến thực phẩm là những yếu tố chính dẫn đến việc xuất hiện các loại virus gây chết người như hiện nay, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông Loken, chất thải tập trung ở các nước giàu vì những người giàu vứt đi quá nhiều thực phẩm. Ngoài ra, vấn nạn phá rừng ở nhiều nơi cũng đang phá bỏ những ranh giới giữa các khu định cư của con người và các ổ dịch trong môi trường tự nhiên hoang dã.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh những lợi ích sâu rộng cả về sức khỏe và kinh tế khi con người chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn đó là giàu chất xơ từ đậu, rau xanh, trái cây và các loại hạt, giảm bớt các sản phẩm từ sữa và thịt, đặc biệt là thịt bò và thịt cừu.
Nghiên cứu trước đó cũng cho rằng việc cải thiện hệ thống thực phẩm toàn cầu có thể giúp tạo ra hàng nghìn tỷ USD mỗi năm dưới hình thức các cơ hội làm ăn mới, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đối với sức khỏe con người và Trái Đất.