Trong thời điểm khó khăn này, những "chiến sĩ khoác áo Blouse trắng" đã thể hiện rõ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết khi vừa tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, vừa tham gia hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
Nghĩa cử cao đẹp
Do không có lịch hiến máu trong gần một tháng trước, trong và sau Tết; khối tiểu cầu lại chỉ có thể bảo quản được 3-5 ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã kêu gọi người hiến máu đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến tiểu cầu. Trong thời điểm "đỏ", chính các nhân viên y tế của Viện là những người tiên phong.
Kỳ nghỉ Tết vừa qua, đã có gần 100 cán bộ, nhân viên của Viện tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, trong đó có ban lãnh đạo Viện; nhiều người đã hiến máu nhiều lần, hiến nhóm máu hiếm hay sẵn sàng hiến bất cứ lúc nào khi được gọi…
Tuy nhiên, nhu cầu máu cần cho cấp cứu và điều trị mỗi ngày lên tới 1.200-1.500 đơn vị trong khi thời điểm trước, trong và sau Tết đã có hơn 50 lịch hiến máu dự kiến tiếp nhận trong các tháng 2, 3 bị hoãn, dẫn đến hơn 13.000 đơn vị máu không thể tiếp nhận.
Để khắc phục tình trạng thiếu máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phát động phong trào hiến máu rộng rãi trong cộng đồng tới từng người dân, cơ quan, xí nghiệp. Phong trào đã nhận được sự ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và rất nhiều người dân.
Trong đó, có thể kể đến sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở y tế với các điểm hiến máu hưởng ứng Chương trình "Blouse trắng – Trái tim hồng" do Công đoàn Y tế Việt Nam phát động.
Tham gia hiến máu tại đơn vị trong dịp này, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, trên cương vị một bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện những ca mổ phức tạp, ông hiểu được giá trị của những "giọt máu vàng" trong những tình huống cứu người. Vì vậy, ông và cán bộ, nhân viên bệnh viện muốn chung tay góp những giọt máu của mình cho những người bệnh. Nhiệm vụ của người thầy thuốc là làm sao để cứu sống bệnh nhân bằng hết sức lực của mình.
Bác sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, cho đến nay, sản phẩm duy nhất trong y tế không thể chế tạo được chính là máu của con người. Máu rất cần thiết trong điều trị ở một số cơ sở y tế.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối nên có rất nhiều trường hợp sản phụ phải cấp cứu được chuyển về. Các trường hợp cấp cứu sản khoa như: Rau cài răng lược, chửa ngoài dạ con, rối loạn đông máu, thiếu máu trầm trọng cần lượng máu truyền rất nhiều, có thể lên đến vài chục đơn vị mới cứu được bệnh nhân cho nên việc tiêu thụ máu ở đây rất lớn.
Thấu hiểu tầm quan trọng của nguồn dự trữ máu cho công tác cấp cứu, điều trị, Viện đã tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch: Phân chia các đơn vị, cán bộ tham gia hiến máu được theo khung giờ; ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký hiến máu. Đối tượng hiến máu đều được sàng lọc các triệu chứng của SARS-CoV-2; đeo khẩu trang, vệ sinh tay trước khi hiến máu…
Nhiều tín hiệu tích cực
Với tinh thần đóng góp vì cộng đồng, các bệnh viện đã huy động được khá đông số cán bộ, công nhân viên tham gia hiến máu, đóng góp vào kho máu dự trữ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, phục vụ công tác điều trị của các cơ sở y tế.
Từ ngày 1-24/2, chuỗi điểm hiến máu "Blouse trắng – Trái tim hồng" của cán bộ y tế các bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận hơn 2.600 đơn vị máu từ các đơn vị: Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Phương Đông, Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an, các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội…
Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh khẳng định "Blouse trắng – Trái tim hồng" là chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa, thể hiện được nghĩa cử cao đẹp của cán bộ y tế trong việc giúp người bệnh có máu điều trị trong thời điểm khó khăn về máu như hiện nay.
Theo Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương, trong 6 ngày 19-24/2, Viện tiếp nhận được gần 6.200 đơn vị máu, trong đó cao nhất là ngày 23/2 tiếp nhận được hơn 1.700 đơn vị máu. Nhờ vậy, hàng vạn người bệnh đã được tiếp thêm hy vọng sống. Có những bệnh nhân của Viện "thở phào" vì chờ 3-4 ngày, nay đã có máu, có tiểu cầu để truyền.
Chỉ tính riêng trong ba ngày từ 22-24/2, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã cung cấp hơn 8.900 đơn vị chế phẩm máu (trong đó có gần 5.200 đơn vị khối hồng cầu) tới 96 bệnh viện tại 21 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ vận chuyển máu đến từng bệnh viện là 64%.
Những chuyến xe "chở theo hy vọng của người bệnh" đã lên đường đến với các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang (cung cấp 260 đơn vị chế phẩm máu); Tuyên Quang (415 đơn vị chế phẩm máu); Lào Cai (3 đơn vị chế phẩm máu); Lai Châu (140 đơn vị chế phẩm máu)… và cả nơi “tâm dịch” những ngày này là Hải Dương với 379 đơn vị chế phẩm máu. Bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn, thường xuyên sử dụng nhiều máu và các chế phẩm cũng đã được cung cấp 1.306 đơn vị chế phẩm máu trong ba ngày (366 đơn vị khối hồng cầu, 797 đơn vị huyết tương tươi…).
Với sự hưởng ứng tích cực của rất nhiều người dân, cán bộ, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng công an, quân đội, y, bác sĩ, việc thiếu máu sẽ được giải quyết dứt điểm, bệnh nhân sẽ có đủ máu để dùng trong những tháng tiếp theo của năm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh nói.