Anh H. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chảy nhiều máu vùng hạ bộ, da dương vật bị lóc hoàn toàn, mép vết thương nham nhở do bị lợn táp. Anh H. được các bác sĩ tiến hành cầm máu, cắt lọc, rửa vết thương để loại bỏ dị vật, cắt lọc các mô tổn thương và để che phủ thương tổn do mất da dương vật, ê kíp phẫu thuật đã chôn dương vật trong bìu để bảo vệ dương vật.
Theo lời kể của anh H., đàn lợn của anh là lợn rừng lai, chỉ chịu sống trong khu nuôi thả và sinh con ngoài vườn. Do sợ lợn con không được chăm sóc tốt, anh quyết định đưa đàn lợn vào chuồng cho an toàn. Nhưng khi anh vào chuồng để bắt lợn con thì bị lợn mẹ tấn công vào vùng hiểm.
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết, mất da dương vật là một tình trạng cần phải được can thiệp cấp cứu khẩn cấp để tránh vết thương nhiễm trùng, hoại tử lan rộng với nhiều dự hậu xấu. Tiếp sau đó, để đảm bảo chức năng sinh lý và thẩm mỹ của dương vật, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tạo hình dương vật vào 3 tháng tới khi các tổn thương đã ổn định, thuận lợi cho việc tạo hình.