Cụ thể, ngày 8/3, ngành chức năng đã lấy mẫu phân của 3 trường hợp đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) để xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh vật (định typ sinh độc tố Clostridium Botulinum).
Ngày 15/3, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã trả lời kết quả như sau: Hai trường hợp A.L và A.V (cùng 24 tuổi), nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 25/2 và anh A.D (25 tuổi), nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 2/3, cả ba ở làng Kon Kum, đều cho kết quả Clostridium Botulinum sinh độc tố typ E. Các xét nghiệm về kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực phẩm, rượu trong các mẫu nước tiểu, máu cho kết quả bình thường.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, Sở Y tế tỉnh Kon Tum nhận định chùm ca bệnh ở làng Kon Kum khiến hai người tử vong và 22 người nhập viện là do ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây bệnh được xác định là do Clostridium Botulinum sinh độc tố typ E.
Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, kết quả điều tra an toàn thực phẩm từ ngày 13-21/2, các nhóm hộ ở làng Kon Kum tập trung tổ chức nhiều bữa ăn, uống rượu với nhau, nên rất khó xác định được bữa ăn và thực phẩm nhiễm Clostridium Botulinum.
Sở Y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục phối hợp với các đơn vị ở Trung ương và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, xác định thực phẩm, tập quán ăn uống có thể gây nhiễm độc Clostridium Botulinum để có giải pháp phòng ngừa hữu hiệu trong thời gian tới.
Trước đó, trong tháng 3/2021, TTXVN đưa tin, Kon Tum: Điều tra nguyên nhân gây chùm ca bệnh ở huyện Kon Plông. Cụ thể, chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn (từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3) tại làng Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon PLông (Kon Tum) đã có hai người chết, 22 người nhập viện với cùng một triệu chứng.
Ngày 5/3, Sở Y tế Kon Tum nhận định (báo cáo số 851/BC-SYT), các trường hợp tử vong, mắc bệnh tại làng Kon Kum qua điều tra, giám sát lấy mẫu xét nghiệm chưa thấy có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan giữa các trường hợp này với nhau. Khả năng liên quan đến vấn đề thực phẩm là rất cao. Đến ngày 9/3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã có thông cáo (số 933/TC-SYT ngày 9/3), trong đó kết quả xét nghiệm 7 mẫu rượu đều âm tính với Methanol.