Hiến tặng mô, tạng là hành động cao đẹp, nhân văn, đầy ý nghĩa trong xã hội, đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh có nhu cầu cấy, ghép tạng. Khi tất cả cộng đồng cùng hiểu biết và chia sẻ với hoạt động nhân văn này, sự sống sẽ luôn được nối dài. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh triển khai phong trào hiến mô, hiến tạng và bộ phận cơ thể người nhằm đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân cần ghép mô, tạng.
Khan hiếm nguồn tạng
Ghép tạng là một thành tựu vĩ đại của y học. Ngày càng có nhiều ca bệnh được ghép tạng thành công mang lại cuộc sống mới cho nhiều người, đồng thời giúp các bệnh nhân chờ ghép tạng có thêm động lực, niềm tin chờ đợi điều kỳ diệu sẽ đến với bản thân.
Ngày 19/5 vừa qua, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân trên cả nước đăng ký hiến tạng trên tinh thần “mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống”. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm. Số ca ghép tạng tăng dần qua mỗi năm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.
Đã 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên góp mặt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công hơn 1.800 ca ghép tạng. Chủ yếu là những ca ghép thận, từ người thân bệnh nhân hoặc người hiến còn sống; trong khi đó, ở các nước trên thế giới, khoảng 60 - 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim. Nguồn tạng hiến khác như tim, gan, phổi… vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, do nhiều lý do việc hiến tạng ở Việt Nam rất khó khăn. Khó khăn nhất là thiếu tạng hiến, đặc biệt từ người hiến chết não. Bởi quan điểm của người dân là phải “chết toàn thây”. Nhiều trường hợp dù đã đăng ký hiến mô, tạng nhưng sau khi chết não, người thân, gia đình họ không đồng ý vẫn không thể triển khai lấy mô, tạng được.
Khác biệt về văn hóa, tư tưởng cũng là yếu tố khiến lượng tạng hiến tại Thừa Thiên - Huế chưa cao so với cả nước; số lượng ca ghép tạng chưa tương xứng trình độ của đội ngũ y tế dù đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng từ lâu.
“Chúng tôi luôn tri ân tấm lòng cao cả của người hiến và mong rằng sẽ ngày càng có nhiều tấm lòng cao cả như vậy để có thể trao cho chúng tôi cơ hội cứu sống các bệnh nhân nguy kịch”, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế bộc bạch.
Sự hạn chế về tạng hiến cũng là lý do khiến Bệnh viện Trung ương Huế chấp nhận đối mặt với thử thách là vận chuyển tạng để thực hiện nhiều ca ghép tim, tạng xuyên Việt. Việc vận chuyển tạng hiến ở những trường hợp này chủ yếu dựa trên các chuyến bay dân dụng, thậm chí là xe cứu thương mà không có bất kỳ các máy bay chuyên dụng nào. Áp lực thời gian phụ thuộc vào lịch trình bay cùng sự hỗ trợ từ các hãng hàng không, lực lượng Cảnh sát giao thông và sự đồng cảm của hàng trăm hành khách mỗi chuyến bay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, số lượng người đăng ký hiến mô tạng ở nước ta vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển mạng lưới hiến mô tạng là nhiệm vụ của Trung tâm và cũng là mong muốn mà Bộ Y tế đang vào cuộc quyết liệt thực hiện. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thành lập hội đồng chẩn đoán chết não, có đầu mối báo cáo nguồn hiến tạng tiềm năng. Trung tâm phối hợp các đơn vị để có biện pháp trợ giúp, tư vấn gia đình người hiến để đạt hiệu quả cao nhất là sự đồng thuận hiến tạng.
Đến nay, cả nước chỉ có 6/26 bệnh viện ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và hầu như không tăng trong hơn 10 năm qua. Do đó, triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh hiện hiến, chưa ghép tạng theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Vượt rào cản, trao cơ hội
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ chỉ ra, để người dân hiểu, ủng hộ hơn, không chỉ cần có hành động cụ thể từ ngành Y tế mà phải có sự chung tay của ngành Giáo dục, Thông tin và Truyền thông cùng các tổ chức xã hội, lực lượng phụ nữ, thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, tổ chức tôn giáo. Miền Trung nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng vốn là vùng đất nổi tiếng bởi tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, do đó, hoạt động nhân văn như hiến mô, tạng có thể được kỳ vọng hiệu quả.
Gần đây, việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người tại Thừa Thiên - Huế được nhiều người dân tích cực hưởng ứng. Vượt qua nhiều rào cản từ tâm lý và gia đình, một số cá nhân mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau chết não để trao cơ hội sống đến người bệnh cần ghép tạng.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Vĩnh Phú cho biết, Hội xác định nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa hiến mô, tạng là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, các cấp cán bộ Hội đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Đầu tháng 5/2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức phát động Tháng Nhân đạo. Ngày hội ghi dấu với những lá đơn đăng ký hiến mô, tạng sau chết não của người dân.
Ấp ủ ý định hiến tạng từ lâu, chị Lê Thị Anh Đào, huyện Phong Điền là một trong những người đăng ký đầu tiên tại ngày hội. Chị chia sẻ, đa phần mọi người có tâm lý không muốn mất đi một phần thân thể khi kết thúc sự sống nhưng đối với chị, điều đó không quan trọng. Mong muốn của chị là có thể nối dài sự sống cho người bệnh.
Dù đã có thâm niên hoạt động thiện nguyện nhiều năm với 84 lần tham gia hiến máu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Thủy Huỳnh Thị Ngọc Trang đến nay mới có thể mạnh dạn đặt bút ký lên đơn đăng ký hiến mô, tạng sau chết não.
“Theo dõi trên truyền hình, tôi thấy chỉ cần một người sẵn sàng trao đi một phần thân thể đã có thể cứu sống được 7 người bệnh. Với tờ đơn đăng ký này, tôi mong rằng gia đình sẽ ủng hộ, thực hiện ý nguyện của tôi sau khi tôi qua đời”, chị Trang bộc bạch.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị thành lập Trung tâm ghép tạng từ tháng 8/2019 với 230 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não, đồng thời ký cam kết tham gia mạng lưới ghép giác mạc miền Trung Tây Nguyên - Bệnh viện Trung ương Huế. Đơn vị cũng là một trong 26 bệnh viện ghép tạng trên toàn quốc đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng; nhận nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật ghép tạng, đào tạo chẩn đoán chết não cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực.
Số người tình nguyện hiến mô, tạng còn rất khiêm tốn, trong khi nhiều người bệnh đang khao khát sống phải mòn mỏi đợi chờ và ra đi do không có nguồn tạng để ghép. Họ rất cần cộng đồng chung tay phát triển phong trào hiến mô, tạng. Sự chung tay của cộng đồng, đội ngũ thầy thuốc và quyết tâm của các cấp chính quyền sẽ là bước đệm hoàn hảo để ngày càng nhiều sự sống được nối dài, ngành ghép tạng Việt Nam sớm sánh ngang các quốc gia khác trên thế giới.