Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN. |
Uống nhầm rượu methanol, dễ thiệt mạng
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, từ sau Tết dương lịch đến nay, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân ngộ độc rượu, không ít bệnh nhân thuộc diện “vô phương cứu chữa”.
“Ngộ độc rượu bắt nguồn từ 2 loại: Một là từ rượu ethanol (rượu thực phẩm), hai là rượu methanol sử dụng cồn công nghiệp (do người sản xuất gian dối cố tình đưa vào). Đáng nói, xu hướng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có xu hướng ngày một tăng, tỷ lệ tử vong và để lại di chứng rất cao (mù mắt, tổn thương não…”, BS Nguyễn Trung Nguyên, khuyến cáo.
Như ở nước ngoài, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân lỡ uống rượu methanol cao hơn ở Việt Nam, một phần do sau uống rượu, bệnh nhân có thể nhận biết ngay là rượu pha cồn công nghiệp nên được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Nhưng ở Việt Nam, với công nghệ làm rượu giả hiện nay, sau 1 - 2 ngày uống rượu methanol, người bệnh mới có dấu hiệu mờ mắt. Sau đó, mới biến chứng trụy mạch, viêm gan… nên khi được đưa đến viện thì đã ở trong tình trạng thập tử nhất sinh, dễ dẫn đến tử vong.
BS Nguyên cho biết, đối với bệnh nhân ngộ độc rượu thực phẩm (có nguồn gốc rõ ràng), cũng không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng trầm trọng như: Hạ dường huyết, hôn mê, mất nước, rối loạn máu...
Tại Trung tâm chống độc, nhiều trường hợp uống rượu ethanol bị tổn thương não, thậm chí tử vong vì sau uống rượu, người bệnh chỉ có cảm giác mệt, không muốn ăn và lặng lẽ đi nằm. Gia đình thấy con/em mệt nhưng vẫn tỉnh táo nên cũng để người thân đi ngủ mà không cố ép ăn. Cho tới sáng hôm sau, bệnh nhân vẫn đi làm bình thường, nhưng chỉ đến đầu giờ chiều thì bị hạ đường huyết và nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu...
Tránh hạ thân thiệt khi uống rượu
Theo BS Nguyên, tốt nhất cần phải hạn chế uống rượu ngày Xuân. Mỗi khi nâng chén, đấng mày râu cần phải chú ý vừa uống vừa ăn, nhằm làm chậm sự hấp thu của rượu trong cơ thể, tránh được tình trạng hạ thân nhiệt nguy hiểm.
“Không nên cố gắng tìm loại thuốc chống say rượu hay giải rượu nào. Bởi lẽ, đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định hiệu quả rõ ràng. Các thuốc được gọi là giải rượu hiện nay chỉ hỗ trợ một phần, bù lại chất muối, đường… cho người bệnh”, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Theo chuyên gia chống độc, trong trường hợp gia đình có người bị ngộ độc rượu (say rượu), người thân cần cố gắng cho bệnh nhân ăn, uống thêm các chất tinh bột, đường, sữa… Sau đó, cho bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải để tránh sặc khi nôn. Sau đó, người nhà phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu bệnh nhân mê man, thở yếu, chậm tím tái khò khè, chân tay lạnh thì cần đưa đi cấp cứu ngay.
Thực tế, có một số sai lầm về giải rượu mà chị em cần lưu ý để tránh áp dụng cho ông xã, đó là tuyệt đối không cho bệnh nhân uống nước chanh hoặc các chất có vị chua ảnh hưởng đến dạ dày, dễ làm bệnh nhân nôn nhiều hơn. Việc bị nôn trong trạng thái thiếu tỉnh táo rất nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh bị sặc vào đường thở. Mặt khác, cũng không nên cố gây nôn khi bệnh nhân thiếu tỉnh táo để phòng tránh nguy cơ tương tự.
Bên cạnh đó, bạn nhậu hoặc người thân cũng cần chú ý không cho người say rượu đi ra ngoài, nhất là điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bởi trong điều kiện thời tiết lạnh, dễ khiến bệnh nhân bị giãn mạch, giảm thân nhiệt hoặc gây tai nạn cho bản thân và những người xung quanh.
Để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết, BS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, các đấng mày râu không nên uống quá 50 ml rượu và 400 ml bia mỗi ngày. Đặc biệt, cần chú ý nguồn gốc của rượu, tránh tình trạng tổn thương não, hoặc tử vong nhanh khi uống phải rượu methanol pha cồn công nghiệp.