Tại Toạ đàm Công tác dân số Kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, do Viện Đào tạo , Tư vấn và Phát triển Kinh tế phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính tổ chức, các chuyên gia cảnh báo: Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của Việt Nam đang ở mức báo động, cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ tránh thai cho người dân, nhưng vẫn còn nhu cầu rất lớn chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại.
Thực trạng này đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ, cũng như áp lực lên hệ thống y tế quốc gia và những tác động lớn về kinh tế và xã hội.
Theo một nghiên cứu mới đây, Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu nữ giới đang ở độ tuổi sinh sản; ước tính có 3,3 triệu người trong độ tuổi từ 15 – 19 tuổi, trong đó có khoảng 170.000 người muốn phòng tránh thai; có 16 triệu nữ giới từ 15 – 49 tuổi chưa có mong muốn lập gia đình, trong đó có 21% có nhu cầu về phòng tránh thai, nhưng chưa được đáp ứng. Nhiều người trong số đó đang sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và không đáng tin cậy, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Trong khi đó, nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các trường hợp mang thai ngoài ý muốn; nhờ đó, tỷ lệ phá thai cũng sẽ giảm xuống nhiều.
Thông tin về việc bố trí kinh phí cho các biện pháp tránh thai hiện nay, BS. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: “Chương trình dân số hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như trong bố trí kinh phí cho các hoạt động tránh thai hiện còn nhiều khó khăn, thậm chí nhiều nơi “có tiền nhưng không tiêu được”. Hiện, toàn bộ kinh phí đã được phân cấp về cho địa phương, nhưng các phương tiện tránh thai đa số phải nhập khẩu, không thể mua bên ngoài, mà phải qua đấu thầu, số lượng đặt hàng đủ thì mới có thể đặt hàng nhà sản xuất, trong khi Trung ương không được bố trí tiền… đây là khó khăn rất lớn. Bên cạnh đó, một số loại thuốc tránh thai như thuốc cấy tránh thai hiện trên thị trường đang bán với giá 1,7 - 1,8 triệu đồng/sản phẩm, trong khi đó, các nước được các tổ chức hỗ trợ có thể bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá thông thường, nhưng Việt Nam lại không tiếp cận được các chương trình này”.
Việc xin các địa phương cấp kinh phí cho mua sắm cũng còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này. Có địa phương khi được trình xin kinh phí về thuốc tránh thai đã từ chối vì lý do “tỉnh không có tiền”, không bố trí được kinh phí…
Theo các chuyên gia, tác động kinh tế xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn. Việt Nam đang phải chi tiêu khoảng 600 triệu USD/năm cho vấn đề này, bao gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp, nghỉ sinh… Trong khi đó, nếu giảm mỗi 1% ca sinh ngoài ý muốn, Việt Nam có thể giải phóng tới 6 triệu USD chi phí trực tiếp; qua đó giúp giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho thế hệ tương lai…
Để giảm bớt tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai, Chính phủ có thể cải thiện các chính sách về sức khỏe sinh sản, xã hội bằng cách: Đầu tư vào các chương trình giáo dục giới tính quy mô lớn kết hợp với các chiến dịch truyền thông để tuyên truyền biện pháp tránh thai đúng đắn, an toàn và hiệu quả cho trẻ vị thành niên từ sớm; tập trung xây dựng các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả và tin cậy, tăng cường đầu tư các dịch vụ y tế về sinh sản và tình dục, đặc biệt cho người dân có thu nhập thấpm tạo ra bình đẳng trong y tế; phát triển các chương trình nghề nghiệp liên kết với các sáng kiến xã hội.