Công tác phòng chống dịch COVID-19 ở biên giới Tây Nam và miền Tây Nam bộ đang rất nóng

Các địa phương chỉ cần buông lỏng, lơ là, để xảy ra trường hợp nhập cảnh lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là người mắc biến chủng của Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát dịch COVID-19 tại cộng đồng sẽ rất khó khăn.

Chú thích ảnh
Bắt giữ các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ảnh: TTXVN

Nguy cơ cao từ các khu vực biên giới

Sáng 16/4, tại Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: "Tính đến ngày 16/4, đã 21 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; hiện các hoạt động đã gần như trở lại bình thường. Đây là nỗ lực lớn của các địa phương, đặc biệt là những vùng có dịch. Tuy nhiên năm 2021 sẽ là năm hết sức khó khăn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, cũng là thách thức rất lớn với ngành y tế. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch tại các nước láng giềng, trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; trong khi Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân về nước thì nguy cơ dịch xảy ra ở Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là ".

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, hiện nay, khu vực nóng bỏng nhất trong phòng chống dịch COVID-19 là khu vực biên giới Tây Nam và các tỉnh miền Tây Nam bộ khi nguy cơ người nhập cảnh trái phép tại các khu vực này rất cao.

Theo đó, chỉ cần buông lỏng, lơ là, để xảy ra trường hợp nhập cảnh làm lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhất là những trường hợp mắc biến chủng virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát dịch tại cộng đồng là vô cùng khó khăn.

Trước tình hình này, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn công tác đi vào những khu vực này, tăng cường chỉ đạo công tác chống dịch. Bộ Y tế cũng đề xuất lực lượng biên phòng phải nỗ lực giữ thật vững chắc khu vực biên giới. Việc ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo thực hiện cách ly nghiêm túc là các yếu tố rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch thời gian tới.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới phải coi việc kiểm soát đường biên giới là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tăng cường các lực lượng lên các chốt biên giới. Bộ Y tế cũng đề nghị người dân ở các địa phương khi có người nhập cảnh về phải báo ngay cho địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện cách ly ngay các trường hợp này và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép.

Đồng thời, để tăng cường tầm soát, phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương lên kế hoạch xét nghiệm những khu vực, đối tượng có nguy cơ để sàng lọc.

Phát huy kinh nghiệm chống dịch

Cảnh báo các địa phương không được chủ quan, lơ là trong bối cảnh dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các địa phương cần biết áp dụng các kinh nghiệm chống dịch đã có được, có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng với các tình huống để không bị lúng túng nếu dịch bất ngờ xảy ra.

Theo đó, qua 3 đợt dịch vừa qua, Việt Nam đúc kết được một số kinh nghiệm, bài học trong phòng chống dịch; trong đó có kinh nghiệm quý báu là triệt để thực hiện cách ly và cách ly tập trung. Với các địa phương, việc chuẩn bị cho cách ly và cách ly tập trung là hết sức quan trọng, vì chỉ có cách ly tập trung mới ngăn chặn được mầm bệnh lây nhiễm cho cộng đồng. Qua các đợt dịch trước, bài học đắt giá đã được rút ra là phải cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Nếu chỉ cách ly các trường hợp tiếp xúc gần tại nhà thì việc ngăn chặn nguy cơ là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nâng công suất xét nghiệm tại các địa phương trong thời gian ngắn cũng rất quan trọng. Đối với các địa phương, khi xảy ra dịch thường bị lúng túng. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra hiện này là chúng ta phải nâng được công suất xét nghiệm trong thời gian ngắn, làm càng nhanh sẽ nhanh khống chế được dịch, các địa phương có dịch phải xét nghiệm trên diện rộng.

Đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương dự phòng tình huống khi có bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh. Lúc đó, biện pháp quan trong là sử dụng các cơ sở y tế, cơ sở vật chất sẵn có để thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, tập trung lực lượng điều trị, không ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh ở các khu vực khác.

Theo đó, phương án thành lập bệnh viện dã chiến cũng là kinh nghiệm quý báu với các địa phương khi có dịch xảy ra; vì vậy trong phương án phòng chống dịch đều phải tính đến phương án này mới có thể yên tâm.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Sáng 16/4, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19
Sáng 16/4, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19

Tính từ 18 giờ ngày 15/4 đến 6 giờ ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19; tính đến nay cả nước đã có tổng cộng 63.758 người được tiêm vaccine COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN