Suốt 15 năm nay, ông N.T.C (78 tuổi, Long Biên, Hà Nội) sống chung với khối u tuyến giáp ngày càng phát triển. Vừa qua, khi khối u đã quá to, chèn ép khiến ông khó thở, khó ăn, ông C mới nhập viện và phải phẫu thuật gấp.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông C. được phát hiện khối u cách đây khoảng 15 năm trước, nhưng không điều trị do chủ quan vì khối u lành tính. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, khối u ngày càng to dần gây khó khăn trong sinh hoạt.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh nhân đã được tiến hành bóc tách khối u khổng lồ.
BS. Cung Đình Hoàn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, khối u bóc ra chia thành hai phần, đều có kích thước gần bằng quả bưởi, nặng gần 1 kg. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, dự kiến sẽ khoảng ra viện sau 5- 7 điều trị”.
Theo đó, khối u quá to đã làm biến dạng toàn bộ vùng cổ của bệnh nhân và biến dạng toàn bộ mốc giải phẫu. Khó nhất là khi mổ ở thùy bên trái, khối u đã đẩy toàn bộ khí quản lệch khỏi vị trí ban đầu. Khối u to cũng chèn ép đường thở, kíp gây mê đã phải chuẩn bị kỹ các phương tiện đặt nội khí quản, nhưng phải đặt ống đến lần thứ 4 mới thành công.
Cũng theo BS. Cung Đình Hoàn, khối u tuyến giáp rất dễ phát triển lớn, gây ảnh hưởng thẩm mỹ và cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật khi khối u tuyến giáp có đa nhân, kích thước lớn, nghi ngờ ung thư. Vì vậy, người dân nên đi kiểm tra định kỳ 3- 6 tháng, chọc hút tế bào để phát hiện sớm nếu bệnh tiến triển thành ung thư.