Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc

Virus SAR-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, trên 500 biến thể khác nhau đã được ghi nhận.

Hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ. Trong đó, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Ngày 6/1, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đã có những đánh giá về biến thể phụ XBB của Omicron và khuyến cáo tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 đối với Việt Nam.

Hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới

Theo Tiến sĩ Angela Pratt, sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. “Chúng ta biết rằng bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm”.

Kể từ tháng 6/2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ biến thể Omicron, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB - là biến thể tái tổ hợp - được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron.

Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới.
 
“Dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là một thông tin đáng lo ngại”, Tiến sĩ Angela Pratt bày tỏ.

Vaccine COVID-19 vẫn đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong

Tiến sĩ Angela Pratt nhận định,các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể này - tức là khả năng vượt qua “lá chắn” bảo vệ do các loại vaccine phòng COVID-19 hiện có cung cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra.

Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực -bao gồm cả các vaccine phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn.

Những loại vaccine phòng COVID-19 này đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung. 

Đó là, đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên. Người lớn và trẻ em hãy đảm bảo rằng mình đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.

* Tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch để được bảo vệ 

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn “quản lý bền vững” dịch COVID-19 và đã thực hiện rất tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù COVID-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc COVID-19.

Chúng ta biết rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và mọi người vẫn đang mắc bệnh, nhập viện và tử vong ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi virus đang tiếp tục lây lan, tất cả các quốc gia và tất cả chúng ta vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời tăng cường giải trình tự gen nhằm xác định biến thể và những biến thể phụ nào đang lưu hành. Đây đều là những biện pháp rất thận trọng, giúp chúng ta phát hiện liệu có đợt bùng dịch khác sẽ xảy ra hay không và để có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Bộ Y tế đang tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng tránh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Điều này thực sự quan trọng, vì tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc làm chậm quá trình lây truyền của virus”, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nói.

Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh: Mỗi cá nhân cần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.

Trong những tuần tới và đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán, chúng ta cần đảm bảo rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế có thể tiếp tục hoạt động tốt và nền kinh tế và xã hội có thể tiếp tục mở.

“Chúng tôi khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín và tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm cả liều tiêm nhắc lại”, Tiến sĩ Angela Pratt khuyến cáo.

TTXVN/Báo Tin tức
Ngày 6/1, Việt Nam có thêm 75 ca mắc mới COVID-19
Ngày 6/1, Việt Nam có thêm 75 ca mắc mới COVID-19

Ngày 6/1, Việt Nam có thêm 75 ca mắc mới COVID-19; còn 19 ca nặng đang phải thở oxy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN