Sở Y tế tỉnh đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để ngay khi phát hiện, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài; tham mưu chính quyền địa phương triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết, khai thác kỹ tiền sử dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời; thông báo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng cùng cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch; tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị tuyến cuối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho đơn vị tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, máu và vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân.
Bác sỹ Trần Văn Thiện, Phụ trách Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, đây là thời gian có mưa nhiều và nền nhiệt độ dao động từ 25 - 33 độ C, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Học sinh, sinh viên đi về từ các nơi có dịch, lưu lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan. Mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết chưa cao nhưng đã ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ và có nhiều trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Do triệu chứng bệnh không điển hình lúc mới khởi phát nên người dân thường chủ quan và có thể sẽ đến cơ sở y tế muộn khiến bệnh có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng.
Bác sỹ Trần Văn Thiện khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân cần vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng nơi ở, môi trường sống, sinh hoạt; thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; không tích trữ nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; phát quang bụi rậm quanh nhà, ngoài vườn; xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà; ngủ màn để tránh bị muỗi đốt... Người dân khi mắc sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm; không tự ý điều trị tại nhà.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ tháng 6 đến ngày 27/9, toàn tỉnh ghi nhận 183 ca mắc sốt xuất huyết. Các ca bệnh có độ tuổi từ 1 - 97 tuổi; trong đó có 13 trẻ em dưới 15 tuổi, 1 trường hợp là người nước ngoài.
Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh; trong đó, nhiều nhất là huyện Yên Mô với 32 ca và huyện Nho Quan với 30 ca. Hiện địa phương đã ghi nhận 35 ổ dịch sốt xuất huyết; trong đó 19 ổ dịch đã kết thúc, 16 ổ dịch đang hoạt động tại tất cả các địa phương trong tỉnh...