Đắp Paraphin điều trị giảm đau

Ba năm gần đây, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) đã áp dụng hiệu quả kỹ thuật điều trị bằng phương pháp đắp Paraphin, tức sử dụng nhiệt nóng của chất Paraphin để giảm đau trong điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Theo bác sỹ Đinh Thị Lam, Trưởng khoa Y học dân tộc - người đã trực tiếp đưa kỹ thuật này áp dụng tại khoa Y học dân tộc của bệnh viện, chỉ tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2016, đã có 9542 lượt bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật đắp Paraphin tại khoa, với giá thanh toán bảo hiểm hiện tại cho một lượt đắp Paraphin là 45.200 đồng, rẻ hơn so với đơn vị khác do khoa đã tự nấu và ủ Paraphin. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư vào trang thiết bị sử dụng trong kỹ thuật đắp Paraphin không nhiều thì kỹ thuật này đã phát huy được hiệu quả điều trị với giá thành hợp lý, đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Paraffin còn được dùng trong thẩm mỹ để làm mềm da lòng bàn tay, bàn chân. Ảnh: Internet.

Bác sỹ Đinh Thị Lam cho biết, Paraphin là một hỗn hợp có nhiều hydrocarbua từ dầu hỏa. Paraphin dùng trong điều trị là loại tinh khiết, trung tính, màu trắng, không độc, khi sử dụng thường pha thêm một ít dầu Paraphin để tăng cường độ dẻo, không bị giòn gẫy. Nhiệt do Paraphin cung cấp là nhiệt ẩm, khi điều trị cho người bệnh không gây bỏng bởi Paraphin nóng chảy ở nhiệt độ 52 độ C đến 53 độ C, khi tiếp xúc với da ngay lập tức lớp Paraphin sẽ đông lại và giảm nhiệt độ tạo thành một lớp màng ngăn cách giữa Paraphin nóng với da nên không gây bỏng.

Trên thực tế, Paraphin được chỉ định điều trị cho bệnh nhân khi cần giảm đau, giảm co thắt cơ trong các chứng đau mạn tính như: đau cột sống thắt lưng; đau vai gáy do thoái hoá; thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, cổ; hội chứng vai tay; đau thần kinh toạ; đau thần kinh liên sườn; đau khớp: viêm khớp, thoái hoá khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp; viêm bao hoạt dịch; đau cơ do co thắt cơ mạn tính; cứng khớp do thoái hoá hoặc do bất động lâu ngày.

Kỹ thuật điều trị bằng phương pháp đắp Paraphin giúp tăng cường dinh dưỡng tại chỗ trong các trường hợp vết thương, vết loét lâu liền, làm nhanh liền sẹo. Làm giãn cơ để phục vụ các kỹ thuật trị liệu khác như xoa bóp, vận động trị liệu, kéo giãn cột sống, kéo nắn các khớp. Đồng thời, dùng trong thẩm mỹ để làm mềm da lòng bàn tay, bàn chân. Kỹ thuật này có tác dụng giãn mạch làm tăng cường tuần hoàn, tăng cường dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ, từ đó có tác dụng giảm đau với các chứng đau mạn tính; tác dụng an thần, điều hòa chức năng thần kinh, thư giãn cơ co thắt, điều hòa thần kinh thực vật; giảm đau, chống viêm, làm mềm giãn xơ sẹo, tạo thuận lợi cho tập vận động phục hồi chức năng.

Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân đến khám và điều trị phục hồi chức năng các mặt bệnh về cơ, xương khớp, thời gian tới, Bệnh viện Đống Đa tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật để tạo hiệu quả trong điều trị với giá thành rẻ hơn. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách triển khai kỹ thuật này tới các khoa phòng khác trong bệnh viện làm tăng chất lượng điều trị và tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Tuyết Mai
Điều trị đột quỵ cấp hiệu quả nhờ ứng dụng kỹ thuật ARTS
Điều trị đột quỵ cấp hiệu quả nhờ ứng dụng kỹ thuật ARTS

Ngày 22/9, các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, nhờ quy trình báo động đỏ về đột quỵ mới nhất đồng thời kết hợp với ứng dụng kỹ thuật hút và rút huyết khối trong điều trị đột quỵ cấp (ARTS), bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca bệnh đột quỵ cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN