Đầu tư đồng bộ cho triển khai bệnh án điện tử

Sau 2 tháng triển khai bệnh án điện tử, thông tin của bệnh nhân được số hóa, nhiều bệnh nhân bất ngờ vì thủ tục nhập viện, thanh toán rất nhanh.

Chú thích ảnh
Chỉ với chiếc ipad, nhân viên y tế nhanh chóng kiểm tra được thông tin người bệnh một cách nhanh chóng, chính xác.             

Thủ tục nhanh bất ngờ

Xác định phải vào nhập viện, anh Lê Việt Hùng (ở Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) đến bệnh viện Bạch Mai khám từ sáng sớm vì sợ phải thực hiện nhiều thủ tục mất thời gian. Tuy nhiên, vừa được bác sĩ chỉ định nhập viện, thì chỉ mất khoảng 10-15 phút, anh đã được các cán bộ y tế hoàn thiện hồ sơ nhập viện, cho quét mã để tạm ứng kinh phí điều trị.

Ngay khi vào viện, anh Hùng được nhân viên y tế đến giường thăm khám sơ bộ, khai thác các thông tin liên quan như tiền sử bệnh, đo huyết áp… và nhập thông tin lên hệ thống chỉ với chiếc ipad thông minh.

“Tôi khá bất ngờ khi thấy quy trình khám và nhập viện tại đây đã nhanh hơn rất nhiều. Nhờ có ứng dụng bệnh án điện tử, người bệnh đã thuận lợi hơn rất nhiều. Sau này bệnh án điện tử được tích hợp vào hệ thống VnEID, người bệnh cũng có thể theo dõi được tình trạng của mình mà không cần hỏi bác sĩ, và cũng theo dõi được quá trình điều trị ngay trên điện thoại. Bác sĩ nhàn hơn, người bệnh cũng yên tâm hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Bị bệnh viêm ruột mãn tính từng vùng (Crohn), bà Nguyễn Thị Bé (ở Mộc Châu, Sơn La) thường phải xuống bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị. Mọi lần, bà phải mang lỉnh kỉnh hồ sơ giấy tờ, nhưng lần này, thủ tục của bà rất đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Bé cho biết: “Tôi không cần phải dùng đến giấy tờ, hồ sơ khám bệnh lần trước. Nhân viên y tế hỏi tôi căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện, để cấp cho tôi một mã số theo dõi sức khỏe trên hệ thống của bệnh viện, lần sau sẽ rất nhàn”.

Không chỉ bệnh nhân, các bác sĩ cũng đã “nhàn” hơn nhiều trong việc đi buồng (thăm khám cho bệnh nhân tại giường bênh), khám bệnh.

Cầm trên tay chiếc ipad đến buồng bệnh, điều dưỡng Phạm Trung Kiên, Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật đến từng giường, mở máy “check” thông tin rồi vừa hỏi thăm người bệnh vừa chuẩn bị thuốc theo y lệnh trên máy vì thông tin bệnh nhân đã được số hóa, lưu sẵn trên hệ thống.

Theo điều dưỡng Phạm Trung Kiên, trước đây, khi đi buồng, nhân viên y tế phải hỏi thông tin bệnh nhân, sau đó viết lại ra giấy rồi hoàn thiện dần hồ sơ bệnh án. Hiện nay, nhờ có bệnh án điện tử, điều dưỡng khi đi buồng có thể hoàn thiện các thông tin bệnh nhân trên ipad ngay tại chỗ và lưu ngay thông tin lên thông thống, không cần hỏi lại trong lần đi buồng sau.

“Trên hệ thống đã có các thông số cơ bản của bệnh nhân từ nhận định toàn trạng đến nhận định chuyên sâu. Khi đi buồng, chúng tôi chỉ cần nhấp đúp vào tên bệnh nhân là đã có đủ thông tin về bệnh nhân đó, đỡ mất thời gian trong nhiều khâu, chúng tôi cũng có điều kiện để hỏi han, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn”, điều dưỡng Phạm Trung Kiên cho biết.

Từ tháng 11/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức triển khai áp dụng Hệ thống Bệnh án điện tử. Đây cũng là Bệnh viện tuyến đặc biệt đầu tiên triển khai bệnh án điện tử. Sau 2 tháng triển khai, quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện đã có những thay đổi tích cực. Tại bệnh viện đã không còn cảnh lỉnh kỉnh những chồng hồ sơ, bệnh án; thời gian thực hiện các thủ tục đã được rút ngắn rất nhiều.

PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã có một thời gian triển khai thử nghiệm từ tháng 7/2024 với 6 trung tâm, khoa phòng đến trên toàn hệ thống. Nhận thấy việc thực hiện bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cán bộ y tế, chúng tôi đã nỗ lực để triển khai chính thức. Bệnh viện cũng đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y tế”.

Chú thích ảnh
Người bệnh đăng ký khám bệnh nhanh chóng bằng căn cước công dân.

Cần sự đầu tư toàn diện 

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khởi đầu với nền tảng hệ thống máy móc, thiết bị sơ sài, cũ nát; để thực hiện được giấc mơ lớn về chuyển đổi số toàn diện, triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện Bạch Mai thực sự phải “vươn lên từ đáy”.

Thực tại hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện hết sức cũ, nát, hỏng hóc rất nhiều; nhưng bằng sự quyết tâm thực hiện; cán bộ, nhân viên Bệnh viện quyết tâm bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số. Bệnh viện xác định 3 trụ cột quan trọng là: Nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng máy chủ và sự liên thông kết nối. Lãnh đạo Bệnh viện đã phổ biến, quán triệt toàn bệnh viện, tất cả cán bộ, nhân viên phải xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.

Được sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bệnh viện đã lựa chọn phần mềm mã nguồn mở, thực hiện miễn phí trong các cơ sở y tế, không phải đấu thầu mà chỉ mất chi phí cài đặt, hướng dẫn triển khai thực hiện; và đã rất tự tin triển khai phần mềm này. Chỉ sau 2 tuần chính thức triển khai, bệnh viện Bạch Mai đã hoàn toàn không dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ sang bệnh án điện tử.

“Hình ảnh các bác sĩ chỉ cần 1 chiếc máy tính bảng để đi buồng bệnh, tất cả kết quả khám, chụp, thông tin bệnh án của người bệnh, thuốc sử dụng… được thể hiện trên thiết bị này, là minh chứng cho bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Đặc biệt chữ ký số đã được áp dụng để thuận tiện trong công tác trong khám, chữa bệnh”, PGS.TS Vũ Văn Giáp cho biết.

Theo đó, áp dụng bệnh án điện tử còn giúp tránh lãng phí nguồn lực, nhân lực vật lực, không gian cơ học lưu trữ do giảm tải in ấn, ghi chép giấy tờ, phim chụp... Ước tính, việc này có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm ngân sách cho y tế. Hơn hết, khi mọi hồ sơ bệnh án, thông tin về bệnh được lưu trữ điện tử, không chỉ dễ dàng sử dụng trong khám chữa bệnh mà còn trở thành nguồn dữ liệu khổng lồ để nghiên cứu, kiểm soát, phát hiện các căn nguyên gây bệnh, dự đoán mô hình chuyển biến, xây dựng các pháp đồ dự phòng và điều trị hiệu quả, đưa ra cảnh báo và ứng phó kịp thời… mang lại lợi ích rất lớn.

Khi đã triển khai bệnh án điện tử một cách toàn diện, thách thức lớn đặt ra là vấn đế an toàn và bảo mật thông tin cần được đảm bảo.

Với số lượng khám tới khoảng 7.000 bệnh nhân/ngày, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 4.000 người; số lượng hồ sơ bệnh án điện tử được thiết lập trong ngày cũng tương đương là một “kho” dữ liệu rất lớn. Vì vậy, việc lưu trữ dữ liệu cũng là vấn đề bệnh viện phải tính toán đến.

Theo Ths.BS Trần Thái Sơn, Trưởng Khoa Da liễu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi đã có kho lưu trữ dữ liệu tốt nhất, dung lượng cao nhất và có thể dự báo về dung lượng trong thời gian tới. Việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, vấn đề an toàn và bảo mật là quan trọng và là vấn đề sống còn”.

Theo đó, khi đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thành công tại tuyến cuối là Bệnh viện Bạch Mai, việc chia sẻ khung bệnh án điện tử cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc mạng lưới đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện cũng có thể được thực hiện.

“Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ Y tế để có bộ khung chung về bệnh án điện tử, làm sao để các cơ sở ở các cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu có được khung chung để có thể “lắp ráp” vào đó và sử dụng”, Ths.BS Trần Thái Sơn cho biết.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại Bắc Giang
Triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại Bắc Giang

Nhằm đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), chiều 7/1, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang để triển khai thí điểm bệnh án điện tử trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN