Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đảm bảo an toàn trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân bỏng, tăng cường mối quan hệ công tác giữa các tuyến trong mạng lưới điều trị bỏng toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao những kết quả trong công tác khám, chữa bệnh và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bỏng Quốc gia. Là bệnh viện đầu ngành chuyên ngành bỏng của cả nước, Bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc và triệt để các quy chế chuyên môn và các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị. Trong nhiều năm qua, bệnh viện không để xảy ra tai biến y khoa, đảm bảo an toàn người bệnh. Bệnh viện ứng dụng và triển khai nhiều kỹ thuật mới và hiện đại giúp nâng cao chất lượng điều trị và giảm di chứng cho người bệnh.
Đối với thực hiện Đề án 1816, Ths Cao Hưng Thái cũng đề nghị, bệnh viện tăng cường công tác chuyên môn hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu; Phối hợp với các bệnh viện đa khoa xây dựng mạng lưới điều trị bỏng; tăng cường năng lực đào tạo của các cán bộ đi tuyến và tăng cường công tác đào tạo tuyến dưới góp phần giảm thiểu những biến chứng cho tai nạn bỏng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá, PGS.TS Chu Anh Tuấn, Trường Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, cho biết, năm 2018 Bệnh viện đã khám và tiếp nhận trên 14.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân nội trú là 5.100 bệnh nhân, gần 4.500 bệnh nhân ngoại trú và 4.400 bệnh nhân trả tuyến trước. Bệnh nhân đến khám từ 56 địa phương trong cả nước, trong đó bệnh nhân đến từ Hà Nội chiếm tỷ lệ 45,6%.
Xếp theo lứa tuổi, có đến 44,8% bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi; người lớn từ 16-60 tuổi chiếm 41,8%. Bỏng nhiệt chiếm tỷ lệ cao nhất trên 85,%, tiếp đó là bỏng điện cao thế và hạ thế chiếm gần 10%, bỏng hóa chất chiếm gần 2%... Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị vết thương bỏng như kỹ thuật lọc máu, kỹ thuật cắt hoại tử sớm; ghép da siêu nhỏ, mảnh lưới; thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật điều trị di chứng bỏng, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ...
Trong thời gian tới, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện cho biết BV sẽ đầu tư đồng bộ cả về con người và trang thiết bị, trọng tâm là hồi sức cấp cứu, phẫu thuật tạo hình, phục hồi chức năng và điều trị liền vết thương, đồng thời thành lập thêm một số đơn vị để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị của người bệnh.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, qua hội nghị đánh giá tình hình công tác điều trị bỏng trong toàn quốc trong năm 2018 và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điều trị, phối hợp có hiệu quả giữa các tuyến nhằm tăng cường công tác chỉ đạo tuyến trong năm 2019; Hội nghị là cơ hội tăng cường trao đổi hai chiều, góp phần gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cấp của mạng lưới điều trị bỏng, liền vết thương và giúp cho người bệnh nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay tại địa phương.
Để thực hiện Đề án 1816, công tác hỗ trợ, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới, theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Gia Tiến, các tuyến cơ sở cần củng cố cơ sở vật chất phục vụ sơ cứu, cấp cứu bỏng; Phải có đồng bộ kíp kỹ thuật: bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa; Nắm vững các quy định về phân tuyến bỏng; Quy trình sơ cứu, cấp cứu và điều trị bỏng theo tuyến.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu tham luận đóng góp và đánh giá cao vai trò chỉ đạo, định hướng và giúp đỡ phát triển kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến. Đồng thời xác định hoạt động kết nối tuyến là một vụ quan trọng góp phần đem lại hiệu quả tốt đẹp cho nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện.