Đau xót cảnh 'ma men' rối loạn tâm thần do rượu

Ngoài các ca ngộ độc rượu phải cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh, vẫn còn những hệ lụy đau lòng khác từ rượu,dễ đẩy các “ma men” vào trạng thái teo não, rối loạn ý thức, lú lẫn…

Nhiều ma men được đưa đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BV

Hoang tưởng, vu vạ, đánh đập vợ con

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào, Viện SKTT cũng phải tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân liên quan đến rượu. Trong đó, đến 35,8% bị mê sảng, 23,5% rối loạn tâm thần…


Phần lớn bệnh nhân là nam giới, đa số trên 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng loạn thần hoặc trạng thái cai. Cá biệt, có trường hợp người cha cho con trai uống rượu khi cháu mới 13 tuổi. Đến nay, khi con trai 18 tuổi, người cha mới chợt nhận ra rằng không thể để cuộc đời của con lại bị xuống dốc vì rượu như mình. Vậy là, cả cha và con cùng đi cai rượu; trong khi, việc cai rượu không hề dễ dàng như khi nâng chén.


Mới đây, Viện SKTT tiếp nhận bệnh nhân N.V.T 45 tuổi, làm nghề thợ xây, vốn là người vui vẻ, hòa đồng. Có điều, anh T uống rượu từ năm 18 tuổi và càng ngày lại càng uống nhiều hơn.


Gia đình bệnh nhân T cho biết, anh T ngày một sao nhãng công việc, hay rủ bạn bè về uống rượu, bệnh nhân cáu gắt nhiều hơn, nhiều lần uống rượu say, đánh mắng vợ con.


“3 tháng nay, bệnh nhân bắt ghen tuông vô cớ hay tra hỏi, đánh mắng vợ mỗi khi đi đâu về. Nhiều khi, bệnh nhân còn hoang tưởng, nghi ngờ hàng xóm theo dõi làm hại mình nên không dám đi ra ngoài… Tại Viện SKTT, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn loạn thần do rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế”, TS Nguyễn Doãn Phương chia sẻ.

Hình ảnh não bị teo của người lạm dụng rượu thể hiện trên film. Ảnh: BV

Trước đó, Viện SKTT cũng tiếp nhận một bệnh nhân 64 tuổi vào viện vì run tay chân, vã mồ hôi sau khi dừng uống rượu 2 ngày. Đáng nói, bệnh nhân này đã được điều trị tại Viện SKTT nhiều lần, nhưng về nhà bệnh nhân lại uống rượu dù nhiều lần xuất hiện cơn co giật tay chân, sùi bọt mép.


“Đợt này, bệnh nhân uống rượu nhiều hơn, có ngày uống tới 1 lít rượu, uống lai rai cả ngày. Đặc biệt, bệnh nhân luôn nhìn thấy sâu bọ bò trên da, trên tay và nhìn thấy công an đến bắt đi… Hậu quả, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái cai rượu với mê sảng. Sau khi được điều trị tích cực, các triệu chứng giảm, ăn ngủ được, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định hơn nhưng chúng tôi không chắc chắn bệnh nhân sẽ không tái nhập viện lần nữa”, TS Doãn Phương chia sẻ.

Sự khác biệt giữa tim của người bình thường và bệnh nhân nghiện rượu. Ảnh: BV

Ung thư vẫn cố uống rượu

Theo TS Doãn Phương, tác hại của rượu lên cơ thể rất nghiêm trọng và lên nhiều hệ cơ quan cùng lúc: Tiêu hóa, tim mạch và đặc biệt là thần kinh (Bệnh não Gayet-Wernike và hội chứng Korsakoff; Teo não; bệnh Marchiafava-Bignami; hủy myelin trung tâm thân não…). Vậy nên, bệnh nhân nghiện rượu nhập Viện SKTT thường kèm nhiều bệnh khác. Nhiều trường hợp còn sử dụng thêm ma túy đá, heroin nên bệnh cảnh lâm sàng càng phức tạp, khó chẩn đoán và điều trị.


Chia sẻ về những hệ lụy từ rượu, GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Rất nhiều bệnh nhân nghiện rượu đến mức đã ung thư thực quản, xơ gan do rượu dẫn đến ung thư gan nhưng vẫn vừa điều trị, vừa uống rượu dù bác sĩ cấm đoán, gia đình ngăn cản.


“Có lần khám cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, rõ ràng hơi thở bệnh nhânmùi rượu nhưng khi tôi hỏi: Có uống rượu không, bệnh nhân vẫn kiên quyết lắc đầu chối”, GS.TS Mai Trọng Khoa, chia sẻ.


Thực tế, tại Trung tâm ung bướu của BV Bạch Mai, cứ 10 người mắc ung thư được phát hiện, thì 9 người liên quan đến rượu, chủ yếu là nam giới với các ung thư phổ biến như: Vòm họng, thực quản, dạ dày, gan, đặc biệt là ở những người uống rượu kèm hút thuốc lá.


Tại Trung tâm Chống độc, khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã và đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong vì rượu. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, người lạm dụng rượu dễ bị teo não, giãn cơ tim, phì đại, suy tim; giãn mạch máu thực quản gây chảy máu và dễ tử vong; thai phụ uống rượu nhiều có thể gây đẻ non, em bé sinh ra có bộ mặt giống như cụ già…

Em bé sinh ra từ bà mẹ nghiện rượu có khuôn mặt giống cụ già. Ảnh: BV

Theo chia sẻ của các chuyên gia y tế, các anh, các chị rất đau xót trước cảnh bệnh nhân co giật, co quắp, phải điều trị xơ gan... nhưng cứ tỉnh thì tiếp tục uống rượu và lại nhập viện như một vòng luẩn quẩn éo le cho đến cuối đời.

Cũng bởi vậy, các bác sĩ mong rằng người dân hiểu được hết tác hại của rượu để thay đổi văn hóa uống rượu, uống rượu có chừng mực hơn để khỏi phải gặp bác sĩ mỗi khi nâng chén.


Hoàn toàn có thể điều trị cai nghiện cho bệnh nhân, tuy nhiên tỷ lệ tái nghiện rất cao. Thời gian trị liệu cai rượu thường tối thiểu là 1 năm và rất cần sự nỗ lực của bản thân bệnh nhân, sự chăm sóc của người thân cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng.

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.


Phương Liên
Liên tiếp ca bệnh nguy kịch do ngộ độc rượu methanol
Liên tiếp ca bệnh nguy kịch do ngộ độc rượu methanol

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đang điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol nhập viện liên tiếp trong tình trạng giảm thị lực, tụt huyết áp, hôn mê sâu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN