Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần sửa đổi tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn nhằm mở rộng nguồn tạng hiến cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng mua bán tạng trái pháp luật.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đề xuất tại hội thảo “Tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người” do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phúc (Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia) cho biết, năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện việc ghép tạng từ người cho sống, đến năm 2010 triển khai ghép tạng từ người cho chết não. Mặc dù xuất phát điểm của ghép tạng Việt Nam chậm so với thế giới gần 40 năm nhưng với sự cố gắng của đội ngũ y, bác sỹ và tiến bộ vượt bậc của nền y học, Việt Nam đang dần tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực này.
Tính đến tháng 12/2020, Việt Nam thực hiện 5.587 ca ghép các bộ phận cơ thể người như: thận, gan, tim, phổi, tụy, chi trên, ruột…Về công tác vận động hiến tạng, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não. Hiện tại, Việt Nam có 20 trung tâm ghép tạng, có thể làm chủ phần lớn các kỹ thuật ghép mà các nước trên thế giới đang triển khai.
Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, mặc dù lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt trội, song Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực từ năm 2007) vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên, quy định độ tuổi được phép hiến tạng là phải trên 18 đã khống chế nguồn tạng hiến tặng từ người cho chết não. Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, đây chính là nguồn tạng tiềm năng để ghép tạng.
“Còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tạo nên sức bật mới cho công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam. Do đó, Bộ Y tế đang tiếp thu ý kiến góp ý, sửa đổi Luật để làm sao tăng nguồn hiến mô, tạng nhưng vẫn tuân thủ Công ước Istanbul về cấm buôn bán tạng bằng cách tạo ra nguồn hiến tạng sạch và hợp pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.
Giáo sư Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2007 đang “bỏ quên” đối tượng là trẻ em trong khi đây là đối tượng cần được ưu tiên để ghép tạng. “Ví dụ như trong ghép thận, từ trước đến nay, chúng tôi ghép thận cho trẻ em từ nguồn tạng hiến của người lớn, điều này vô cùng khó khăn cho đội ngũ y, bác sỹ. Bởi lẽ, khi ghép tạng của người lớn vào cơ thể trẻ em thì phải làm sao để trẻ không suy tim, không bị phù phổi cấp mà không vỡ thận. Luật cấm trẻ em chết não hiến tạng đã góp phần làm cho cơ hội được ghép tạng của trẻ em ngày càng ít đi”, Giáo sư Trần Đông A chia sẻ.
Một thực tế được nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm là vấn đề mua bán tạng đang nhức nhối tại Việt Nam. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ước tính, nước ta hiện có khoảng 10.000 người chờ ghép thận, vài nghìn trường hợp chờ ghép gan và hàng nghìn trường hợp chờ ghép các bộ phận khác. Nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng cao trong khi đó nguồn tạng ngày càng khan hiếm khiến cho việc mua bán tạng càng trở nên phổ biến. Số người hiến chết não tại các bệnh viện khá ít, chỉ chiếm khoảng 0,5%, còn số ca ghép tạng từ người cho sống lại rất cao (5.255 ca), điều này tiềm ẩn nguy cơ về mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
Thạc sỹ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Huế), cho biết, trên 50% người sống hiến tạng tại đơn vị này là người dưới 30 tuổi. Thực tế đã phát sinh những trường hợp tiêu cực từ đối tượng hiến tạng trẻ tuổi này. Nhận thấy sự phức tạp từ việc tiếp nhận hồ sơ cho và nhận tạng, từ năm 2016, Bệnh viện Trung ương Huế đã tự xác minh, phát hiện nhiều trường hợp giả giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền… Sau đó bệnh viện đã phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng công an. Điều đáng buồn là sau khi Bệnh viện Trung ương Huế từ chối, nhiều người đã đến một trung tâm ghép tạng khác và việc tiến hành ghép trót lọt. Thạc sỹ Trần Thị Cẩm Tú cho rằng vẫn còn kẽ hở để các đối tượng mua bán tạng lách luật và trong tương lai cần có hệ thống giám sát, cảnh báo đối với trường hợp nghi ngờ mua bán tạng trên toàn quốc.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất Luật sửa đổi không nên giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não.
Đối với người hiến sống có cùng huyết thống, cần đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Còn người hiến sống không cùng huyết thống, phải đủ từ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Luật cũng cần xây dựng gói chi phí “điều phối” bao gồm: chẩn đoán chết não, hồi sức bệnh nhân chết não, lấy, bảo quản, vận chuyển mô tạng, phục hồi thi thể bệnh nhân chết não, truyền thông… làm cơ sở thanh toán và áp dụng chung trong cả nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng giá gói dịch vụ ghép tạng làm cơ sở cho Bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ 80%, phần còn lại do bệnh nhân cùng chi trả.
Để hạn chế tình trạng mua bán bộ phận cơ thể người, các đại biểu kiến nghị, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần bổ sung quy định về việc các cơ sở y tế chỉ ghép tạng khi người ghép có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia và danh sách này là cơ sở pháp lý cho việc điều phối lấy, ghép tạng trong toàn quốc.
Dự kiến, trong năm 2022 Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sửa đổi.