Số ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2018 là Y Quân Hra (sinh năm 1994, ở huyện Buôn Đôn), phát hiện bệnh ngày 21/9, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn ngày 25/9. Sau đó, số ca mắc bệnh sởi liên tiếp được phát hiện tại các huyện Buôn Đôn và Ea Súp.
Tại huyện Buôn Đôn, sau trường hợp dương tính với bệnh sởi nói trên, trên địa bàn phát hiện thêm 10 ca mắc sởi. Qua điều tra cho thấy, bệnh nhân Y Quân Hra trước và sau khi mắc bệnh không đi đâu xa, 10 bệnh nhân dương tính với sởi tại huyện Buôn Đôn đều từng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. Do đó, bệnh sởi tại Đắk Lắk có khả năng lây lan trong cộng đồng dân cư và lây chéo tại bệnh viện. Kết quả điều tra cũng cho thấy, các trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, hiện nay, việc phòng bệnh sởi đang gặp khó khăn khi người dân vẫn chưa ý thức được việc cách ly bệnh sởi trong cộng đồng và bệnh viện. Tại các bệnh viện tuyến huyện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được khu cách ly riêng biệt nên nguy cơ lây lan trong cộng đồng và lây chéo tại bệnh viện là rất lớn.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị y tế tuyến huyện để chủ động ứng phó khi dịch sởi bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh sởi để tổ chức khu vực cách ly đảm bảo theo quy định, tránh lây chéo tại bệnh viện. Ngành Y tế thống kê số trẻ em, người lớn chưa tiêm phòng sởi để tổ chức tiêm phòng đầy đủ...
Ngành Y tế Đắk Lắk cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sởi tại cộng đồng và bệnh viện. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ho, sốt, phát ban cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, cách ly và xử lý kịp thời.
Thống kê cho thấy, từ ngày 21/9 đến 24/10 tỉnh Đắk Lắk phát hiện 13 ca mắc sởi tập trung tại huyện Buôn Đôn (11 ca), Ea Súp (2 ca).