Sốt xuất huyết đã xuất hiện trên diện rộng ở 139 xã, phường của 11 huyện, thị trong tỉnh; tập trung tại thị xã An Nhơn (3 ca ở 15 xã, phường), huyện Hoài Nhơn (459 ca ở 17 xã, thị trấn), huyện Tây Sơn (356 ca ở 15 xã, thị trấn), thành phố Quy Nhơn (310 ca ở 21 xã, phường), Tuy Phước (284 ca ở 13 xã, thị trấn)...
Trong 2 tuần trở lại đây, tại tỉnh đã xuất hiện thêm 12 ổ bệnh mới, với khoảng 259 ca mắc mới. Như vậy đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue bằng 80% của cả năm 2018 (3.219 ca); chiếm hơn một nửa tổng số ca đỉnh dịch năm 2016 (4.679 ca) của Bình Định.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Bình Định chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết; khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Ngành Y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm thông tin về tình hình của bệnh, biết cách và chủ động tham gia phòng, chống. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đồng loạt ra quân diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng, xử lý các ổ bệnh. Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất để phòng chống bệnh; khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Đối với “điểm nóng” thị xã An Nhơn, ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành địa phương duy trì diệt bọ gậy, lăng quăng 2 lần/tuần ở những nơi có ổ bệnh sốt xuất huyết và 2 tuần/lần ở địa bàn chưa có ổ bệnh sốt xuất huyết. Tất cả các xã, phường trên địa bàn thị xã An Nhơn phải xem phòng chống sốt xuất huyết là nhiệm vụ cấp bách; địa phương nào để sốt xuất huyết bùng phát, lây lan thành dịch lớn hoặc có bệnh nhân tử vong do chủ quan với sốt xuất huyết thì người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.