Hà Nội phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát

Hà Nội vừa ghi nhận thêm 6 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua. Năm nay, bệnh xuất hiện sớm với số người mắc bệnh nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018, nguy cơ cao bùng phát dịch.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân loại bỏ nguồn sinh sôi của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tuần từ ngày 25 - 31/3, thành phố đã ghi nhận thêm 6 ca mắc sốt xuất huyết, đưa tổng số ca bị nhiễm bệnh từ đầu năm đến nay lên 154 ca, bệnh đã xuất hiện rải rác tại 27 quận, huyện, thị xã; chưa có ca tử vong.

Như vậy, 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. So với chu kỳ thông thường (bệnh xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8, đỉnh dịch thường vào khoảng tháng 9, tháng 10), năm nay “mùa” sốt xuất huyết đến sớm hơn, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nếu không tích cực phòng bệnh ngay từ đầu mùa.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2017, không đợi có dịch mới chống, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ khi chưa có dịch đến khi có bệnh nhân, có ổ dịch, số ca mắc gia tăng... Hiện những nơi chưa có bệnh nhân, địa bàn tập trung giám sát véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn, nếu có nguy cơ thì sẽ tiến hành vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân xử lý khu vực tập trung bọ gậy; đồng thời giám sát chặt bệnh tại điểm nguy cơ...

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà phải dựa vào cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân.

Mỗi người dân cần chủ động, có ý thức dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng, các lọ hoa trong nhà cần được thay nước thường xuyên… Đây là cách thiết thực, hiệu quả nhất để phòng chống sốt xuất huyết.

Đặc biệt, người dân nếu có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao đột ngột liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày; đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

TN/Báo Tin tức
Sáng kiến mới giúp nâng cao hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết
Sáng kiến mới giúp nâng cao hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Công ty HR Wallingford phối hợp thực hiện Dự án "Hệ thống dự báo mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh" (D-MOSS) nhằm xây dựng các công cụ sáng tạo giúp các đơn vị hưởng lợi cảnh báo sớm trước nhiều tháng về khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN