Số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.343 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,3% so với tuần trước đó); thêm 83 ổ dịch mới.
Số ca mắc mới ghi nhận tại cả 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 12 ca tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong).
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội với số mắc cao và vẫn trên đà gia tăng, Sở Y tế Hà Nội dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đáng lo ngại, cùng với gia tăng số ca mắc, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu nặng phải nhập viện cũng gia tăng tại các cơ sở y tế.
Đơn cử như tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày; hiện tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30 - 40% trường hợp trở nặng với các biểu hiện như: Tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng cao, suy thận...
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cũng ghi nhận số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng cao; hiện có khoảng 40 - 50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có nhiều ca bệnh nặng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cảnh báo: Chu kỳ dịch sốt xuất huyết bùng phát có thể lặp lại nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Theo dự báo, đỉnh dịch có thể rơi vào trung tuần tháng 11; vì vậy giai đoạn này, người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Muốn phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, việc thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không cho muỗi sinh sản và phát triển là điều hết sức quan trọng.
Theo đó, trước khi thực hiện phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, chính quyền địa phương, người dân cần thực hiện tổng vệ sinh môi trường trước thì việc phun hóa chất mới đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông cho các em học sinh tại các trường học trên địa bàn là một kênh truyền thông rất hiệu quả về phòng chống sốt xuất huyết.
Để dập dịch cần sự nỗ lực rất cao
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Hà Nội đã liên tục có chỉ đạo; các địa phương, ngành Y tế cũng đang gồng mình nỗ lực dập dịch.
Để nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong phòng chống dịch, Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Đồng thời, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Các đơn vị kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải pháp khắc phục; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh sốt xuất huyết hợp lý.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các Bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đồng thời đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết.
Các cơ sở y tế tăng cường theo dõi người bệnh, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ để điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa…
Theo các chuyên gia, để phòng sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp đơn giản như vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, không để nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng; đặc biệt cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như: Dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi trú ngụ…
Theo đó, người nghi mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Nếu người mắc sốt xuất huyết điều trị tại nhà khi thấy các dấu hiệu trở nặng như: Hết sốt nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì; trên 6 giờ không tiểu tiện… cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng.