Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương thuộc Thái Bình, Hưng Yên khiến nhiều người dân lo lắng khi sử dụng thịt lợn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh tả ở lợn không có khả năng lây nhiễm sang người kể cả khi phơi nhiễm với thịt lợn không được nấu chín.
Theo đó, dịch tả lợn châu Phi là do vi rút African Swine Fever (ASF) gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi nhưng xâm nhập vào châu Á do việc nhập khẩu thịt, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh xuất phát từ khu vực có dịch. Trước đó, từ cuối năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản khiến các nước này phải tiêu hủy số lượng rất lớn lợn mắc bệnh.
Tại Việt Nam, vừa qua, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Đây là dịch bệnh chưa có thuốc chữa, đa số lợn bị nhiễm vi rút này đều chết.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ nên người dân không nên hoang mang. "Cần chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch" - ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh.
Theo Cục Thú y, triệu chứng của dịch tả lợn châu Phi là: lợn sốt cao, có thể trên 40 - 42 độ C. Có lợn dù thân mình vẫn mát nhưng khi cặp nhiệt độ vẫn cho kết quả 42 độ C. Dịch tả gây chết ở nhiều loại lợn, từ lợn nái đến lợn con, lợn choai…chứ không tập trung ở một loại lợn. Lợn cũng không chết ồ ạt. Đây không phải bệnh truyền lây qua hô hấp mà lây qua chất nhầy, nên trong một ngày không chết ồ ạt vài chục, vài trăm con lợn như bệnh khác.