Trước đó, theo lời kể của anh Nguyễn K.P., khoảng 23h30 ngày 31/10, sau khi anh P. đưa người nhà vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xong, anh đã lái xe đỗ đúng nơi quy định trong bệnh viện. Khi đang nằm ngả lưng trên xe thì nhân viên bảo vệ bệnh viện ra đưa vé và xin số điện thoại nhưng anh P. không cung cấp vì không hiểu lý do. Ngay sau đó, bất ngờ 3 người bảo vệ của bệnh viện đã túm áo, túm tóc, lôi anh P. xuống xe đánh liên tục vào phần mặt và đầu khiến anh Phượng choáng váng ngất đi.
Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã họp tất cả các đơn vị liên quan để giải trình sự việc. Ông Ánh cũng xác nhận có vụ việc bảo vệ bệnh viện đánh người nhưng nguyên nhân là do lái xe đánh trước, bảo vệ chỉ đánh trả. Cụ thể, trước khi xảy ra xô xát, anh Nguyễn K.P. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bảo vệ có lời qua tiếng lại. Sau đó, bất ngờ, người lái xe đã đạp vào mặt bảo vệ và nhân viên bảo vệ lao vào đánh lại. Sau khi được can ngăn, người nhà lái xe gọi 7 người nữa đến để đánh bảo vệ. Thấy vậy, tổ trưởng ca bảo vệ đã gọi cho Công an phường Ngọc Khánh đến, sau đó tất cả được mời về Công an phường để làm rõ.
Sở Y tế đã chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với bảo vệ. Sự việc trên, ai sai, ai đúng sẽ có cơ quan chức năng phán xét. Tuy nhiên, hành động đánh lại lái xe của nhân viên bảo vệ bệnh viện là không thể chấp nhận được. Đáng nhẽ, khi sự việc xảy ra, bảo vệ nên gọi các lực lượng khác đến giải quyết, ứng phó chứ không nên dùng bạo lực.
Hiện tượng mất an ninh trật tự, xô xát giữa lực lượng bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân không còn là hiếm khi thời gian gần đây tình trạng này đã xảy ra tại nhiều bệnh viện ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đơn cử như ngày 18/10 vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng xảy ra trường hợp xô xát giữa một nam thanh niên với lực lượng bảo vệ bệnh viện khiến nam thanh niên bị chảy máu đầu. Về phía bệnh viện cho biết, trước đó có một người phụ nữ xin vào thăm bệnh nhân nhưng không được nên to tiếng và dùng guốc tấn công về phía bảo vệ. Sau đó nam thanh niên từ ngoài xông vào tấn công lực lượng bảo vệ nên bảo vệ bệnh viện đã khống chế, trong quá trình đó có đánh lại nam thanh kia bằng tay.
Trước đó, tháng 7/2016 cũng xảy ra sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc đó là 3 bảo vệ của bệnh viện Nhi Trung ương đã có hành động chặn chiếc xe cứu thương biển kiểm soát 37A-13612 khi xe này đang chở một bệnh nhân nhi về với gia đình. Trong các clip được đăng tải trên mạng xã hội, còn ghi lại có một người trong nhóm bảo vệ cầm dây xích trong khi những người còn lại yêu cầu khóa bánh xe lại, liên tục xưng hô "mày, tao" với người tài xế… Sự việc này đã gây bức xúc dư luận và hỗn loạn tại bệnh viện. Sau đó lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp xin lỗi gia đình bệnh nhân và đuổi việc 3 nhân viên bảo vệ, cảnh cáo công ty bảo vệ được thuê.
Các sự việc trên không chỉ gây mất trật tự, an ninh mà nó còn ảnh hưởng đến danh tiếng, bộ mặt của các bệnh viện. Nhiều người cũng cho rằng lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho môi trường làm việc, tuy nhiên mỗi bệnh viện cũng cần tăng cường giám sát đối với hoạt động của lực lượng bảo vệ, đặc biệt khi đó là những đơn vị độc lập như các công ty bảo vệ được bệnh viện thuê từ bên ngoài vào. Bên cạnh đó, cần có những tiêu chí cụ thể để tuyển chọn lực lượng bảo vệ, nhất là thái độ, tác phong làm việc.
Nhất là khi các bệnh viện đang tích cực hướng đến làm hài lòng người bệnh thì việc duy trì lực lượng bảo vệ thân thiện, có trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ là giữ gìn trật tự, an ninh cho bệnh là vô cùng cần thiết.