Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến văn bản do Bộ Y tế ban hành hoặc tham mưu Chính phủ ban hành; góp ý vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính; kiến nghị vấn đề về thuế, ưu đãi đầu tư, ưu đãi xuất khẩu... Các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã giải đáp, nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp về mặt cơ chế chính sách, vừa tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo công tác quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, đây là sự kiện quan trọng, được các doanh nghiệp Dược mong chờ để có cơ hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý. Qua đó doanh nghiệp đưa ra các kiến nghị, đề xuất để cải thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước; đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, Bộ Y tế đã và đang từng bước tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách…, trong đó phải kể đến công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện tại, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2017/NĐ- CP… tạo cơ sở pháp lý sửa các thông tư liên quan nhằm giải quyết bất cập, khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển. Những nỗ lực của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp Dược ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính; khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp Dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do các văn bản này chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết, sau Hội nghị đối thoại năm 2022, công tác quản lý nhà nước về Dược đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cục đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước để tự hoàn thiện. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược đã có nhiều cải tiến, áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ như: triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn; hợp tác với các trường Đại học đào tạo chuyên ngành Dược, các Viện để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, hồ sơ công bố GMP thuốc nước ngoài...
Hội nghị đối thoại lần này chủ yếu tập trung vào việc góp ý sửa đổi Luật Dược, Nghị định 54/NĐ-CP, Nghị định 155/NĐ-CP; một số ít ý kiến đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ công bố GMP thuốc nước ngoài, hồ sơ thông tin, quảng cáo thuốc.
Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân.