Bài 1: Điểm đến tiềm năng
Với những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là việc áp dụng hiệu quả các kỹ thuật cao cùng chi phí hợp lý, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều người nước ngoài khi có nhu cầu khám, chữa bệnh. Ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm đến Việt Nam để chăm sóc sức khỏe, gửi gắm tính mạng và niềm tin của mình.
Thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh
Bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn trong suốt 8 năm trời, anh CD. Washington (sinh năm 1978, quốc tịch Canada) đã đến nhiều bệnh viện tại Canada để chữa trị. Dù được chỉ định phẫu thuật nhưng anh không đồng ý. Tìm hiểu các phương pháp không phẫu thuật bằng y học cổ truyền phương Đông, anh đã tìm đến Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị. Tại Bệnh viện Quân y 175, người bệnh được chẩn đoán liệt hai chi dưới do di chứng chấn thương cột sống, đa chấn thương do tai nạn giao thông năm thứ 8, tăng huyết áp. Các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 175 đã quyết định điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, trị liệu điện xung kích thích cơ, từ trường toàn thân kích thích hồi phục thần kinh, tập vận động… Sau 2 tháng điều trị và nỗ lực tập luyện, bệnh nhân đã có những bước đi đầu tiên với dụng cụ trợ giúp và có thể tự đi lại bình thường sau 3 tháng.
Trước đó, hồi tháng 5, thông tin về sự chào đời an toàn, khỏe mạnh của bé Hiba từ Mỹ trở thành niềm vui của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức Thành phố Hồ Chí Minh. Hiba là một trong những thiên thần nhỏ ra đời nhờ vào phương pháp thụ tinh ống nghiệm do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ tại Bệnh viện Mỹ Đức trực tiếp thực hiện. Trước khi đến Việt Nam, bố mẹ Hiba đã trải qua 10 năm tìm kiếm con với 6 lần thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng đều thất bại. Tìm hiểu thông tin, cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm đến Việt Nam nhờ giúp đỡ. Tháng 6/2022, họ có mặt tại Việt Nam và đến lần chuyển phôi thứ 2 mới thành công. Trở về Mỹ, 9 tháng sau, đôi vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi đón thiên thần nhỏ Hiba đến với gia đình.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trước đây, Việt Nam mới chỉ được người nước ngoài và Việt kiều biết đến là nơi thực hiện các kỹ thuật y khoa giá rẻ và mang lại hiệu quả trong lĩnh vực y học cổ truyền, nha khoa và thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn lại đang nổi lên với những thành tựu nổi bật. Theo bác sĩ Tường, ở Mỹ, dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có chi phí khá đắt đỏ, khoảng 20.000 USD/đợtt điều trị, ở Việt Nam chỉ khoảng 3.500 USD. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, giá dịch vụ thụ tinh ống nghiệm cao hơn Việt Nam khoảng 3 lần. Về hiệu quả, hiện tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam dao động từ 40 - 45%, trong khi ở một số nước khác chỉ đạt từ 30 - 40%.
Chi phí thấp, trình độ tay nghề của bác sĩ cao là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người nước ngoài, Việt kiều tìm đến Việt Nam để khám, chữa bệnh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện khám chữa bệnh, điều trị cho người nước ngoài. Nếu như trước đây, khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh chủ yếu là từ Lào và Campuchia, những năm gần đây, số lượng kiều bào, người dân từ các nước Mỹ, Canada, Australia, Nhật… ngày càng nhiều hơn. Một số đơn vị tại Thành phố như Bệnh viện FV tiếp nhận khoảng 20.000 lượt/năm, Bệnh viện Đại học Y dược 18.000 lượt/năm, Bệnh viện Chợ Rẫy 1.200 lượt/năm…bệnh nhân nước ngoài.
Du lịch y tế nhiều tiềm năng
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn Thành phố có 144 bệnh viện công lập và tư nhân, 318 trạm y tế, 196 phòng khám đa khoa, gần 6.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân. Song song với số lượng, chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế ngày càng được cải thiện, trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ y bác sĩ không ngừng nâng cao. Đây là những điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển mạng lưới du lịch y tế. Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm với doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Trung bình, mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Là một trong những bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày từ đầu, Bệnh viện FV đã đặt ra chiến lược mang chất lượng dịch vụ quốc tế để phục vụ người bệnh trong nước và cả ngoài nước. Sở Y tế đánh giá, điểm đáng được ghi nhận chính là FV đã đầu tư nguồn lực theo hướng để giữ chân người Việt không phải ra nước ngoài để chữa bệnh, tiến đến thu hút khách nước ngoài đến chữa bệnh tại bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện FV đầu tư và nỗ lực để nhiều lần đạt công nhận chất lượng bệnh viện theo chuẩn quốc tế JCI nên nhiều công ty Bảo hiểm y tế quốc tế và công ty hỗ trợ bảo hiểm quốc tế chấp nhận và ký hợp đồng khám chữa bệnh cho khách hàng khi khám chữa bệnh tại đây. Hiện, số lượt khám, chữa bệnh cho người nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng số lượt khám, chữa bệnh tại Bệnh viện FV gồm người Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Canada, Campuchia….
Một trong những lĩnh vực thế mạnh để thu hút du lịch y tế mà ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh là y học cổ truyền. Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện Y học cổ truyền là hai đơn vị chuyên khoa lớn nhất khu vực phía Nam trong lĩnh vực này. Bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một thế mạnh trong du lịch kết hợp với y tế. Trong y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt là thế mạnh riêng, nếu bấm huyệt bằng kỹ thuật lên cơ thể thông qua y học cổ truyền sẽ giúp cho bệnh nhân có một quá trình tự phục hồi, mang lại một cảm giác sảng khoái dễ chịu, bớt đi những đau nhức mệt mỏi sau hành trình du lịch.
“Chúng ta có một nguồn dược liệu hết sức phong phú, gần gũi với người dân, an toàn, chúng ta có những câu chuyện về văn hóa y học cổ truyền, câu chuyện về những thầy thuốc, bài thuốc, địa danh thuốc của Việt Nam… Nếu khai thác hiệu quả, khó nơi nào có được khi phát triển y tế theo y học cổ truyền kết hợp với du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh”, bác sĩ Khoa nhìn nhận.
Khảo sát của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sau COVID-19 du khách quan tâm nhiều đến các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc trị liệu sức khỏe. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây chính là cơ hội tốt để Thành phố thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch y tế. Mới đây, Sở Du lịch phối hợp cùng Sở Y tế đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… tiến hành xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với nhu cầu của du khách. Trước mắt, có 30 sản phẩm du lịch y tế, du lịch sức khỏe được xây dựng trong năm 2023.
“Hiện tại thành phố đã có sản phẩm du lịch y tế nhưng đang ở bước đầu, dạng tiềm năng. Về lâu dài, cần phải có sự đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực chuyên phục vụ về y tế, vừa có kiến thức về du lịch vừa có kiến thức về y tế và có ngoại ngữ”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết thêm.
Bài 2: Vươn mình hội nhập