Thương hiệu bác sĩ Việt Nam ở nước bạn
“Tôi đến đây để được bác sĩ Việt Nam khám và chữa bệnh” là yêu cầu của hầu hết bệnh nhân khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh - công trình của sự hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia ở Thủ đô Phnom Pênh (Campuchia). Từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh ra đời, nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân nước bạn gửi trao sức khỏe và tính mạng của mình.
Để xây dựng được được niềm tin này, trong gần 10 năm qua, hàng ngàn lượt y, bác sĩ Việt Nam đã ngược xuôi trên hành trình Việt Nam - Campuchia mỗi tuần. Từng chuyến xe đưa thầy thuốc Việt Nam sang Campuchia phẫu thuật, những cuộc hội chẩn xuyên biên giới đã được thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ từ năm 2014 đến nay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm trung bình có từ 400 - 500 lượt bác sĩ, chuyên gia được Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cử sang Bệnh viện Chợ Rẫy PhnomPênh hỗ trợ chuyên môn. Song song đó, nhiều kỹ thuật cao đã được đội ngũ thầy thuốc Việt Nam triển khai lần đầu tại Campuchia và chuyển giao thành công cho nước bạn như: các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình phức tạp, đặt máy tạo nhịp tim, thận nhân tạo…
Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 diễn ra căng thẳng tại Campuchia, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh trở thành một trong những địa điểm được Chính phủ Campuchia chỉ định thu dung, điều trị cho người mắc COVID-19. Không phụ sự tin tưởng của Chính phủ nước bạn, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh đã “dốc toàn lực” cứu sống người dân trong đại dịch. Những ngày Thủ đô Phnom Pênh bị phong tỏa, công việc của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh vốn đã khó khăn lại càng thêm gian truân, nguy hiểm… Biên giới đóng cửa, nhiều bác sĩ Việt Nam hơn một năm không thể về nhà. Thế nhưng với “mệnh lệnh từ trái tim”, đội ngũ thầy thuốc người Việt tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh vẫn kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp giữ vững trận địa. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đánh giá, đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam giữa tâm dịch Campuchia không chỉ đảm nhiệm các công tác chuyên môn mà còn làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự trân trọng trước nỗ lực của tập thể y, bác sĩ Việt Nam trong công tác trị bệnh cứu người, góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mỗi bệnh nhân được chăm sóc, cứu chữa mạnh khỏe sẽ góp phần làm nên nhịp cầu củng cố, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia. Đây trở thành một sứ mệnh lịch sử ngoài chuyên môn.
Đào tạo cho bác sĩ nước ngoài
Tháng 3/2023, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được lời mời từ Bệnh viện Chinese General Hospital and Medical Center của Philippines. Là một trong những bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản về kỹ thuật phẫu thuật bằng robot, cùng với kinh nghiệm hơn 270 ca phẫu thuật thực chiến, bác sĩ Nguyễn Phú Hữu đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật khó thành công ngoạn mục trước con mắt thán phục của các đồng nghiệp nước bạn. Đó là trường hợp một nữ bệnh nhân bị ung thư trực tràng đã được hóa trị và phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo đại tràng ngang do tắc ruột. Bệnh nhân và người nhà yêu cầu được tiếp tục phẫu thuật loại bỏ khối u bằng robot. Đứng trước ca bệnh khó khăn khi bệnh nhân vừa hóa trị chưa đầy 3 tháng, thành ruột bở, dễ bị rách cùng với ổ bụng viêm dính nhiều trong khi chưa thực sự làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật bằng robot, các bác sĩ Philippines đã phải mời chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Việt Nam.
Cũng trong chuyến đi, bác sĩ Hữu đã thị phạm thêm 4 ca phẫu thuật khó khác. Các ca phẫu thuật đều được truyền tiếp đến nhiều bệnh viện tại Philippines và nhận được sự tán dương từ các chuyên gia phẫu thuật ngoại khoa nước bạn. Trước đó, năm 2019, bác sĩ Nguyễn Phú Hữu được mời sang Bệnh viện Philippine General Hospital để hướng dẫn phẫu thuật robot. Nếu như trước đây, những chuyến đi nước ngoài của bác sĩ Hữu và các đồng nghiệp đều là những chuyến đi để học hỏi kinh nghiệm, 2 lần xuất ngoại này mang đến những niềm vui riêng khi tâm thế, vai trò đã hoàn toàn khác. “Sau những chuyến công tác, tôi nhận được nhiều lời khen ngợi từ các đồng nghiệp bởi những điều tôi chia sẻ đều là kinh nghiệm thực chiến mà không sách vở nào dạy được. Tôi nói vui với họ rằng, ở Việt Nam, chúng tôi còn có hàng ngàn phẫu thuật viên cừ khôi hơn thế này nhiều. Và tôi tự hào về điều đó”, bác sĩ Nguyễn Phú Hữu bày tỏ cảm xúc.
Không chỉ mời bác sĩ Việt Nam sang hướng dẫn, ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực đã cử nhân viên y tế đến các bệnh viện Việt Nam để thực hành và học hỏi kinh nghiệm. Các Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y dược, Viện Y dược học cổ truyền, Bệnh viện Mỹ Đức và nhiều bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tiếp nhận các bác sĩ nước ngoài đến học tập, nâng cao chuyên môn, tay nghề… Đều đặn mỗi năm, Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh đón các nhóm học viên khoảng 20 - 40 người/nhóm từ Pháp và Thụy Sĩ sang học về y học cổ truyền. Những năm gần đây, Đại học Alabama ở Birmingham (Mỹ) đã cử nhiều học viên sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để học tập. Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận các học viên nước ngoài đến từ Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia... sang học các khóa ngắn hạn trong khoảng 1 - 3 tháng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đông bệnh nhân, nhiều loại bệnh, trong đó có những bệnh lý mà các nước phát triển ít gặp. Bên cạnh đó, bệnh nhân dễ tiếp xúc, trình độ điều trị và ngoại ngữ của đội ngũ y, bác sĩ cũng ngày càng tốt. Điều này đã tạo nhiều thuận lợi cho việc học tập, trao đổi kinh nghiệm của các bác sĩ, học viên người nước ngoài. Việc hợp tác đào tạo qua lại không những giúp cho các bác sĩ Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ, cập nhật kiến thức mới mà còn giúp tăng uy tín của ngành Y Việt Nam với cộng đồng y khoa quốc tế.
Bài cuối: Kỳ vọng trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu khu vực ASEAN