Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 30/11, Kpă Chương (sinh năm 2004), Rơ Châm Sơng (sinh năm 2006) và Rơ Châm Ái (sinh năm 2003) đều trú tại làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai) đi làm ruộng, bắt được một con cóc rồi lấy trứng hấp ăn. Khoảng 30 phút sau, Chương và Sơng xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, khó thở, vàng da toàn thân…, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, Kpă Chương đã tử vong trên đường đến viện, Rơ Châm Sơng hiện đang được điều trị, tạm thời qua cơn nguy kịch.
Riêng Rơ Châm Ái, do chỉ nếm một ít trứng cóc nên xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự gây nôn, không đi viện.
Ngay sau sự việc, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Băng đã triển khai truyền thông tại chỗ cho người dân về việc không chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm tuy đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín. Đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến và sử dụng.
Đây là ca tử vong thứ 3 do ăn cóc trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm 2023 đến nay. Trước đó, ngày 22/1, tại làng Kret Krot (xã H'ra, huyện Mang Yang) xảy ra một vụ 4 người ngộ độc do ăn cóc, trong đó có 1 người tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 7/4, tại làng Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) với 3 người ăn, trong đó có 1 người tử vong.
Trước tình hình địa phương xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc do độc tố tự nhiên nói riêng. Đơn vị cũng đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.