Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa phẫu thuật thành công cho bé N. N. M, sinh năm 2002 (quê Cà Mau) bị lõm ngực bẩm sinh. Do bị lõm ngực bẩm sinh nên từ nhỏ bé M. thường xuyên ốm yếu, khó thở, mệt mỏi và kém phát triển thể chất so với những bạn cùng tuổi. Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ đánh giá, đây là tình trạng lõm ngực nặng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ nghiêm trọng.
BS.CKII. Phan Văn Tiếp cùng các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã phẫu thuật chỉnh hình nâng ngực cho bé. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản và được mổ hai vết nhỏ khoảng 2 cm ở hai bên ngực. Các bác sĩ tiến hành dùng thanh nâng ngực số 10 của Biomed, uốn thành vòng cung lồng ngực. Tiếp đó nhờ dùng dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng tạo thành đường hầm phía dưới xương ức, trước tim và đặt thanh nâng ngực đã được uốn cong dùng để nâng lồng ngực bị lõm lên, khâu buộc vào xương bằng chỉ thép. Sau cùng là khâu kín lồng ngực.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sau phẫu thuật 6 -7 ngày có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện. Sau 2 – 3 năm, khi lồng ngực ổn định, khung kim loại sẽ được lấy ra ngoài.
Số trẻ bị mắc bệnh lý lõm ngực bẩm sinh gia tăng. ẢNh: CTV |
Theo bác sĩ Lê Hữu Phúc, phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), bệnh lý lõm ngực bẩm sinh hiện chưa tìm được nguyên nhân gây ra. Những năm trước đây, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị cho khoảng 8 ca/năm. Tuy nhiên, gần đây số lượng trẻ mắc bệnh lõm ngực bẩm sinh tăng đáng kể, hiện điều trị 150 ca.
Theo các bác sĩ, lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.
"Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp", bác sĩ Phúc cho biết thêm.
Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường. Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo.
Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình, chia sẻ: "Thực tế nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc nên không thường xuyên để ý đến những vấn đề sức khỏe của con. Do đó, dễ bỏ qua các triệu chứng liên quan đến căn bệnh bẩm sinh này. Có trẻ mới sinh ra đã phát hiện ngực bị lõm, nhưng cũng có khi đến 3-4 tuổi hoặc thậm chí có khi 13 tuổi mới nhận ra.
Theo các bác sĩ, những trẻ bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương. Trẻ 3-4 tuổi thường sẽ không can thiệp phẫu thuật nếu nhận thấy không quá nặng, mà theo dõi.