Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ” cũng là việc cần thiết phải làm.
Hoàn thiện chính sách và luật pháp
Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các nghị định, Quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh...
Trong các bộ luật này, ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam và nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái. Tập trung và sinh động nhất quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới là sự ra đời của Luật Bình đẳng giới.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ.
Thực tế cho thấy, mặc dù hiện nay người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng, nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế. Tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề. Phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai cũng như so với trẻ em gái ở khu vực thành thị về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
Điều này không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân, tạo ra rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai mà còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói, bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Trẻ em không được đi học, không tiếp cận được nền giáo dục sẽ đồng nghĩa với việc tước đoạt một nguồn tăng trưởng tiềm năng của đất nước", ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ"; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Cần đồng bộ các giải pháp
Bên cạnh việc ban hành, thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã ban hành các nghị định, thông tư, Chiến lược quốc gia… và thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan.
Đặc biệt, ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 4/QĐ-TTg phê duyệt đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu “Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 là “Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020”.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng, nhờ việc triển khai hiệu quả Đề án, nhận thức của người dân về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh được nâng cao rõ rệt. Tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ mức 112,8 bé trai/100 bé gái năm 2015 xuống còn 112,1/100 vào năm 2020, đạt mục tiêu đề án. Tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi (từ 15-28 tuần) trước khi sinh đã giảm từ 74,3% (năm 2015) xuống còn 63,9 (2020) và còn 56,4 (năm 2021).
Theo các chuyên gia quốc tế, mô hình chuyển đổi của tỷ số giới tính khi sinh sẽ trải qua 3 giai đoạn: Gia tăng nhanh khi bắt đầu mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định ở mức cao và giảm chậm trở lại mức cân bằng tự nhiên. Hiện nay, theo số liệu thống kê qua các năm, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đang ở giai đoạn 2 - ổn định ở mức cao. Thời gian trở lại mức cân bằng tự nhiên nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào các giải pháp mà chúng ta triển khai thực hiện, ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, việc triển khai Đề án trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn. Trong đó phải kể đến tư tưởng trọng nam hơn nữ, tâm lý ưa thích con trai vẫn còn nặng nề trong một số bộ phận dân cư. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với ngành y tế trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh không được thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đã được quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực y tế nhưng việc thực thi chưa cao. Một số nơi đội ngũ thanh tra chuyên ngành còn thiếu về nhân lực dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý việc thực hiện các quy định về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đối với các cơ sở y tế tư nhân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho rằng, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số...
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Bài cuối: Phát huy vai trò của nam giới