Sau khi lập bản đồ cấu trúc 3D của protein mang tên Nsp15 từ virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu thuộc một số trường đại học của Mỹ nhận thấy rằng các loại thuốc đã được phát triển trước đây để điều trị dịch SARS năm 2003 nay có thể phát triển thành các loại thuốc chống dịch COVID-19, vì các nghiên cứu được công bố năm 2010 về chủng virus Corona gây dịch SARS cho thấy việc ức chế Nsp15 có thể làm chậm quá trình nhân lên của virus.
Theo giáo sư về vi sinh học và miễn dịch Karla Satchell thuộc trường đại học Northwestern, Nsp15 đã được nghiên cứu trong đợt bùng phát dịch SARS để phát triển thuốc mới, tuy nhiên do dịch SARS được ngăn chặn sớm nên các nghiên cứu đã dừng lại. Khi đó các nhà nghiên cứu đã xác định được một số chất ức chế Nsp15 nhưng chưa phát triển thành thuốc. Giờ đây có thể thử nghiệm các chất ức chế đó đối với protein này.
Giáo sư Andrzej Joachimiak của trường Đại học Chicago cho biết, protein Nsp15 ban đầu được cho là tham gia trực tiếp vào quá trình nhân lên của virus, tuy nhiên gần đây, Nsp15 còn được phát hiện có khả năng giúp virus tái tạo bằng cách can thiệp vào phản ứng miễn dịch của vật chủ.
Việc bùng phát và lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi vể cơ chế khiến loại virus này lây nhiễm mạnh hơn virus gây dịch SARS và MERS.
Theo giáo sư Adam Godzik của khoa y sinh thuộc đại học California Riverside, mặc dù SARS-CoV-2 rất giống virus gây dịch SARS năm 2003, các cấu trúc mới đã làm sáng tỏ những khác biệt tuy nhỏ nhưng có thể rất quan trọng giữa hai chủng virus này dẫn tới sự khác nhau về mức độ lây nhiễm của hai đợt dịch.
Dự kiến cấu trúc protein Nsp15 sẽ được công bố vào ngày 4/3.